Trong quaù khöù quan ñieåm
giaù trò laø hieáu, ñeã, trung,
tín, leã, nghóa, lieâm, sæ.
Hieän thôøi chaúng coøn nöõa.

tonsutrongdao.edu.vn

CẢM ỨNG THIÊN VỰNG BIÊN - CHƯƠNG HAI - THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN - CHÚ GIẢNG CHỨNG ÁN VỰNG BIÊN - TẬP HAI MƯƠI BA

CẢM ỨNG THIÊN VỰNG BIÊN

Tác giả: Đức Thái Thượng Lão Quân


 

CHƯƠNG HAI

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

CHÚ GIẢNG CHỨNG ÁN VỰNG BIÊN

 

TẬP HAI MƯƠI BA
 

Chánh văn:

Phụ tha hóa tài, nguyện tha thân tử. Can cầu bất toại, tiện sanh chú hận.

Chánh văn:

Thiếu nợ người khác vật dụng, tiền bạc, bèn mong họ chết đi. Mong cầu chẳng được toại ý, sanh lòng oán hận, chửi rủa. Hóa là đồ vật. Tài là tiền bạc, Phụ nghĩa là khi thiếu thốn bèn mượn để chi dùng. Lâu ngày vong ân, chẳng trả lại.

Trung Giới Kinh nói:

Thiếu nợ của người khác, trước mắt chẳng có gì để đền trả, phải luôn lo nghĩ đến mối nợ ấy, luôn nghĩ cách đền trả. Nếu vì nguyên do chẳng trả được, bèn ngược ngạo mong cho người ấy chết đi để xóa bỏ món nợ ấy, kẻ ôm lòng như thế, đời này là phường sài lang, đời sau khó trốn khỏi thân chó, ngựa, cũng là ngu muội quá lắm. 

Bạch Nguyên Thông thiếu tiền Dương Quân bốn ngàn năm trăm đồng, nhiều lần bị đòi mà chẳng trả. Dương Quân chết, họ Bạch bèn giấu luôn chuyện ấy.

Về sau, trong nhà Dương Quân sanh ra một con lừa bỗng nói tiếng người rằng:

Tôi là Bạch Nguyên Thông vì thiếu tiền các vị bốn ngàn năm trăm đồng, cho nên như thế này. Hiện thời, ở chợ Tây có người bán lừa cũng thiếu tiền tôi vừa đúng số ấy. Hãy mau bán tôi cho nhà ấy để có tiền trả cho Quý Vị hòng xong nợ. Con ông Dương làm đúng theo lời. Bán xong được hai hôm, con lừa chết mất.

Đời Hán, Diêm Sưởng làm quận duyện. Thái Thú là Đệ Ngũ Thường bị triệu về Kinh, đem món tiền lương bổng là một trăm ba mươi vạn gởi Diêm Sưởng. Diêm Sưởng đem chôn giấu.

Về sau, Đệ Ngũ Thường lúc mất, gọi đứa cháu mồ côi mới chín tuổi đến bảo:

Ta có món tiền ba mươi vạn gởi cho Quận Duyện Diêm Sưởng. Đứa cháu lớn lên, tìm đến Diêm Sưởng xin lại. Diêm Sưởng trông thấy nó, lòng buồn vui lẫn lộn, lấy tiền giao lại. Dấu niêm phong vẫn còn nguyên như cũ.

Đứa cháu nói:

Ông nội cháu chỉ bảo là ba mươi vạn, nay là một trăm ba mươi vạn, chẳng dám nhận.

Diêm Sưởng nói:

Phủ quân bị bệnh làm khổ cho nên đã nói lầm, thiếu gia đừng ngờ. Rốt cuộc trả lại. Về sau, Diêm Sưởng làm quan tới chức Thứ Sử.

Can cầu là nói đến hết thảy các chuyện lớn nhỏ, hễ có chuyện cầu cạnh phải nhờ vả người khác thì đều là Can cầu. Bất toại là chẳng được như ý. Chú là nguyền cho người ấy gặp họa, Hận là ôm lòng oán độc.

Bậc Quân Tử thông đạt lý, an vui với số mạng, há chịu cầu cạnh kẻ khác?

Nếu như có chuyện cầu cạnh, đã chẳng phải là kẻ đoan chánh. Nếu chẳng toại ý, cũng chỉ nên tự phản tỉnh. Nếu còn nguyền rủa, oán hận, sẽ thành phường tiểu nhân phản phúc vậy.

Đời Tống, Lư X… ban đêm đem trăm lạng vàng biếu Vương Đán, xin được bổ làm chức Phát Vận Sứ vùng Giang Hoài.

Ông Vương từ chối:

Tài sức của ông chẳng kham nổi chức vụ này.

Tôi há dám tình riêng mà phế lẽ công chánh ư?

Họ Lư hổ thẹn, lui ra, suốt đêm đốt phù chú, nguyền cho Vương Đán sớm chết.

Hắn mộng thấy thần quát mắng:

Ông Vương lòng trung nước, mày muốn cho ông ta mau chết. Thượng Đế sẽ giáng tội cho mày. Quả nhiên, mấy hôm sau, hắn chết tươi. Đời Minh, Lý Canh ở Hàng Châu nhà nghèo, vô hạnh. Phàm ai là họ hàng, xóm giềng, hắn đều vay mượn hết.

Hơi có chút chẳng vừa ý, bèn sân hận chẳng ngớt. Một hôm, hắn hỏi vay lương thực từ người bạn. Bạn chưa ưng thuận, Lý Canh bèn hướng về thần nguyền rủa, nguyện cho người bạn ấy chóng chết. Trong khoảnh khắc, sấm nổ ầm một tiếng, Lý Canh chết tươi trước tượng thần.

Vu Thiết Tiều nói:

Cầu cạnh kẻ khác, tuy tâm tình ta rất bức thiết, nhưng đối với người được cầu cạnh, có khi sức người ấy chẳng thể làm chuyện đó, hoặc lâm vào tình thế bất tiện. Cho nên kẻ chẳng được toại ý là chín phần mười, mà kẻ toại ý chỉ được một phần mười. Đó là lẽ thường xét theo tình lẫn lý.

Nếu xằng bậy sanh lòng nguyền rủa, hận thù, người ấy có vì ta nguyền rủa, oán hận mà sẽ thay đổi thái độ, sẽ giúp đỡ hay sao?

Chỉ là tự tăng thêm Phiền Não Chướng đó thôi. Kẻ đó không chỉ là chẳng biết thiên mạng, cũng chẳng thông đạt tình đời vậy.

Đời Tống, ông Tạ Lương Tá nói:

Muôn sự thật ra là có số mạng, sức người có so đo cũng chẳng nổi. Tôi suốt đời chưa hề cầu cạnh kẻ khác, cũng chưa hề gởi thư cho người đang nắm quyền bính.

Nếu có kẻ khuyên lơn hãy cầu cạnh người có quyền thế, tôi đáp:

Người ấy làm sao có thể thăng thưởng, thiên chuyển cho tôi được, toàn là do trong mạng tôi sẵn có.

Đời Tống, ông Phạm Trung Tuyên, Phạm Thuần Nhân nói:

Người tuy chí ngu mà biết tự trách thì là sáng suốt. Kẻ tuy hết mực sáng suốt, nhưng nếu khoan dung cho chính mình sẽ là kẻ hôn ám.

Ai có thể dùng cái tâm trách móc người khác để trách móc chính mình, dùng cái tâm khoan dung chính mình để khoan dung người khác, sẽ chẳng lo không đạt đến địa vị Thánh Hiền. Phàm những kẻ cầu cạnh người khác rồi trách móc người ta, hãy nên suy đi nghĩ lại lời của hai ông.

Chánh văn:

 Kiến tha thất tiện, tiện thuyết tha quá. Kiến tha thể tướng bất cụ nhi tiếu chi, kiến tha tài năng khả xưng nhi ức chi.

Chánh văn:

Thấy người khác sa chân lỡ bước, bèn rêu rao lỗi lầm của họ. Thấy người khác hình hài chẳng vẹn toàn bèn chê cười. Thấy người khác có tài năng đáng ca ngợi bèn chèn ép.

Thất tiện là gặp chuyện chẳng thể làm được, ở trong cảnh bất đắc chí. Sự việc và cảnh duyên trong thiên hạ vốn dễ bại, khó thành, nghịch nhiều, thuận ít. Hoặc là do vận số chông chênh, thời thế ngang trái, việc làm gặp rối ren. Hoặc là đôi khi phạm sai lầm, hối hận, sửa đổi chẳng kịp. Đường đi hành xử trong cõi đời gian nan, xưa nay đều cùng than thở.

Thế mà có hạng người chẳng biết cảm thông, lúc bình thường bèn giao du tốt đẹp, hễ người khác gặp cảnh khốn khó, thường là đặt mình ra ngoài phạm vi ấy, cười cợt, gàn quải người khác rằng:

Vốn là do kẻ ấy tự sai trái.

Than ôi!

Xin hãy tự nhìn lại đời mình, có phải là bản thân ta thật sự chưa từng làm sai một chuyện nào hay chăng?

Đời Minh, Vương sanh ở Hán Châu ưa chỉ trích lỗi lầm của người khác.

Hàng xóm của hắn có người phải chôn con, Vương sanh bèn chê bai:

Do ngươi cực ác, cho nên có quả báo ấy. Chẳng lâu sau, hai đứa con trai của Vương sanh đều bị bệnh chết.

Người hàng xóm cười ngược lại:

Tao nghĩ chắc là mày độc ác còn cùng cực hơn tao nữa. Lại còn một người anh họ của hắn dự khóa thi hằng năm, điểm thi bị giảm,  lọt xuống bậc bốn.

Vương sanh cũng chê trách rằng:

Văn tài của anh đúng là quá tệ hại, làm sao mong đậu cao cho được. Chưa đầy một năm, Vương sanh tham gia khoa khảo, rốt cuộc bị đánh xuống bậc năm.

Người anh họ cười chê ngược lại:

Ta nghĩ em ta văn chương càng tệ hại hơn nữa.

Quản Trọng nói:

Ta thường cùng Bảo Thúc Nha mưu sự, thế mà càng làm, càng thêm khốn cùng, Bảo Thúc Nha chẳng chê ta là ngu, vì ông ta biết thời vận của mỗi người có lúc thuận lợi, có lúc bất lợi. Ta từng ba lần ra làm quan, ba lần bị Vua xua đuổi, Bảo Thúc Nha chẳng cho ta là hạng không ra gì, vì biết ta chẳng gặp thời.

Do vậy, có thể thấy là bậc hào kiệt từ xưa cũng thường có khi bị lỡ bước sa chân. Điều đáng quý là kẻ tri kỷ, trong cảnh khốn cùng bèn an ủi, khích lệ.

Há có nên vì kẻ khác sảy bước sa chân, bèn thừa cơ quăng đá?

Hạng người như vậy đã đánh mất lòng thương cảm, lại còn trái nghịch lòng nhân nâng đỡ người khác, vui sướng vì kẻ khác mang tai, mắc họa, bất nhân, bất trí, tai ương ắt sẽ lập tức bám theo thân.

Tứ chi tàn khuyết, hình tướng xấu xí, thô kệch, nếu chẳng phải là do mầm mống độc ác từ đời trước gây nên, ắt là do họa ương sót lại từ Cha Mẹ.

Hễ gặp hạng người ấy, hãy nên thương xót, bảo vệ cho họ được toàn vẹn, sao lại nhẫn tâm chê cười?

Huống chi sự thành tựu của một người là do tâm lượng và kiến thức, chẳng phải do hình tướng nơi thân thể. Châu Bột nói lắp mà làm Tể Tướng, Yến Tử Yến Anh thân hình loắt choắt mà khiến cho Vua Tề Cảnh Công được rạng mặt nở mày.

Những chuyện giống như vậy được chép trong sử sách, chẳng thể nêu trọn. Hơn nữa, kẻ có thể tướng chẳng đầy đủ thường tự hận.

Do đó, cười cợt họ, đã phạm vào điều cấm kỵ. Mẹ của Tề Khoảnh Công do cười Khước Khắc mà bị trừng phạt, mỹ nhân của Bình Nguyên Quân do cười người teo chân mà bị giết, người một huyện nước Triệu cười giễu Mạnh Thường Quân là một gã đàn ông loắt choắt mà bị giết.

Đấy đều là vết xe đổ từ trước, đáng để răn dè sâu xa. Kinh Phật có nói đến Đẳng Lưu Quả, có ý nói người sống trên cõi đời, tâm thuật chẳng đoan chánh, đời đời về sau, hình thể chẳng toàn vẹn, miệng, mắt lệch vẹo, tứ chi tàn khuyết. Đấy là nói do đời trước tạo nghiệp, cho nên dẫn đến kiếp này hình thể chẳng đầy đủ.

Như vậy thì người ta trong lúc khởi tâm, trong khoảnh khắc động niệm, há có nên chẳng kiêng dè, cẩn thận, kính sợ để rồi đến nỗi lọt vào chỗ tà vạy ư?

Sách Đạo Tạng Yếu Lược nói:

Những điều cần phải kiêng kỵ khi vợ chồng ăn nằm rất nhiều, nhưng khi khí Trời thay đổi thì hậu quả do không kiêng kỵ ăn nằm sẽ nặng nề nhất.

Theo thiên Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký, trước khi sấm động ba ngày, người cầm quyền sẽ sai người dùng linh có quả lắc bằng gỗ để truyền lệnh cho dân chúng biết:

Sắp có sấm động, kẻ chẳng kiêng kỵ chuyện ăn nằm trong ngày sấm động, sẽ sanh con thân thể chẳng hoàn bị, ắt gặp tai họa hung hiểm. Bởi lẽ, kẻ ấy khinh nhờn oai Trời.

Đấy là nói do Cha Mẹ chẳng cẩn thận, cho nên khiến cho đứa con hình thể chẳng trọn vẹn vậy. Đời Đường, Lô Kỷ sắc mặt như màu chàm xanh lè. Quách Tử Nghi bị bệnh, bá quan lũ lượt đến vấn an. Bọn hầu thiếp đứng đầy ra đó, ông chưa từng bảo họ tránh đi. Tới khi Lô Kỷ đến, Quách Tử Nghi bảo họ đều tránh đi hết.

Có người hỏi nguyên cớ, ông bảo:

Ông ta mặt mũi xấu xí, tâm hiểm độc. Bọn phụ nữ trông thấy ắt cười cợt.

Ngày sau, ông ta nắm quyền, gia tộc của ta sẽ chẳng còn ai sống sót!

Về sau, Lô Kỷ làm Tể Tướng, những kẻ nào có oán với ông ta ắt đều bị trả thù, chỉ riêng nhà họ Quách rốt cuộc bình yên. Hầu Nguyên Công, Hầu Mông hình tướng hết sức xấu xí. Khi đi thi tuyển Hương Tiến, có kẻ thấy ông đã lớn tuổi, lại xấu xí, chẳng biết kính trọng. những đứa khinh bạc bèn vẽ hình ông lên diều, căng chỉ thả lên Trời.

Nguyên Công trông thấy chỉ cười, đề lên đó:

Vị ngộ hành tàng thùy khẳng tín?

Như kim phương biểu danh tung. đoan lương tượng họa hình dung. Đương phong khinh lực, nhất cử nhập cao không, tài đắc xuy hư thân tiệm ổn, chỉ nghi hà phó thiềm cung. Vũ dư thời hậu tịch dương hồng, kỷ nhân bình địa thượng, khán ngã tử tiêu trung.

Chưa gặp thời cơ ai chịu tin?

Nay mới lộ ra chút tiếng tăm. Bỗng dưng thợ khéo vẽ nên hình, mượn cơn gió nhẹ bay cao vút, thoáng chốc lên cao tận Thái Không. Được gió đỡ nâng, thân dần ổn, bay cao xa tít tận cung hằng.

Trời hết mưa rồi, chiều đỏ ối, kìa ai đứng mãi trên nền đất, ngắm ta bay lượn tận hư không. Năm ấy, ông thi đỗ, đạt tới địa vị Tể Tướng. Những đứa trẻ ở quê cũ đều hổ thẹn, chẳng dám nhìn ông.

Vu Thiết Tiều nói:

Đời người vốn chẳng thể ỷ vào thể tướng được. Già yếu, tàn tật đều là chuyện chẳng thể biết nổi. Mắt đẹp có thể bị đâm thành mù, chân nhanh nhẹn có thể bị gãy thành thọt.

Nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù?

Từ nay về sau, ta biết có tránh nổi hay không?

Lời Tăng Tử đã nói đúng lắm thay.

Thương thân còn chẳng xuể, nào dám cười ai?

Những kẻ đặt hỗn danh, đặt ra bài vè để miêu tả, cười chê hình hài kẻ khác cũng hãy nên nhìn vào gương này để sửa đổi thói xấu ác vậy.

Thấy tài năng bèn đè nén, khác với Che giấu điều lành, vùi dập sở trường của người khác. Che giấu hàm ý ém nhẹm, Vùi dập thì có nỗi bi thảm hủy hoại. Ở đây thấy tài năng bèn đè nén lại cao hơn một mức nữa. Bởi lẽ, đáng ca ngợi mà chẳng ca ngợi, tức là đè nén. So với hai điều trước đó, dường như tội nhẹ hơn, nhưng suy xét kỹ, sẽ là càng vi tế hơn.

Vào thời Chiến Quốc đời Châu, Lý Tư và Hàn Phi đều theo học với Tuân Khanh. Lý Tư tự biết tài năng của chính mình chẳng bằng Hàn Phi. Vua Tần thấy bài Thuyết Nạn Thư của Hàn Phi, hận không được gặp. Đến khi Vua nước Hàn sai Hàn Phi sang sứ nước Tần, Vua Tần nói chuyện với Hàn Phi hết sức vui thích.

Lý Tư sợ Vua sẽ sủng ái Hàn Phi, bèn gièm báng khiến cho Hàn Phi bị hạ ngục, Vua ban độc dược bắt Hàn Phi tự sát. Hàn Phi muốn tự giãi bày, nhưng không được gặp Vua Tần, cuối cùng phải chết. Về sau, Lý Tư bị Triệu Cao sàm tấu với Tần Nhị Thế, cũng muốn trần tình, nhưng chẳng được Vua tiếp kiến. Người hiểu chuyện biết là đạo Trời đền trả.

Đời Tống, Tôn Biện là người xứ My Sơn và Đường Giới, Ngô Trung Phục chưa hề quen biết nhau, nhưng Tôn Biện khâm phục họ cương trực, tận lực tiến cử. Họ được đề bạt làm Ngự Sử.

Chương Tuân Công Chương Đắc Dự và Văn Lộ Công Văn Ngạn Bác chưa hề gặp mặt, nhưng ông Chương nghe danh ông Văn là bậc lỗi lạc, vừa gặp gỡ bèn đề cử. Về sau, quả nhiên ông Văn xuất tướng, nhập tướng.

Dương Kính Chi yêu mến tài năng, công bằng, chánh trực, được biết danh tiếng của bậc Nhân Sĩ vùng Giang Biểu phía Nam của sông Dương Tử là Hạng Tư, liền đề tặng thơ rằng:

Xứ xứ kiến thi, thi tổng hảo. Cập quán tiêu cách quá ư thi, bình sanh vị giải tàng nhân thiện, đáo xứ phùng nhân thuyết Hạng Tư Đọc khắp thơ ông đều tuyệt diệu, nhìn vào tư cách tuyệt hơn thơ. Suốt đời chẳng biết dìm người khác, khắp chốn gặp người khen Hạng Tư. Mấy vị ấy đều giống nhau, đề cử người khác hòng khích lệ nhân tài.

Những kẻ chẳng thể vì nước cầu hiền, không chỉ là chèn ép những người sau, mà còn cắt đứt hạt giống tạo phước cho dân chúng.

Than ôi! Biết đề cử người hiền thì là bậc chí nhân, vậy thì kẻ đố kỵ người hiền sẽ là phường đại ác.

Chánh văn:

Mai cổ yểm nhân, dụng dược sát thụ.

Chánh văn:

Chôn bùa ếm đối hại người. Dùng thuốc giết chết cây cối. Theo Huyền Đô Luật, kẻ phạm lỗi đủ số hai ngàn bảy trăm chuyện thì tính là một điều hại, trong nhà kẻ ấy sẽ sanh ra Thầy mo, bà cốt.

Nhưng sanh ra Thầy mo, bà cốt đã là do người đời trước tạo tội, nay con cháu lại chôn bùa ếm đối hại người khác, tức là khiến cho quả báo Địa Ngục của kẻ ấy càng thêm sâu. Nhưng kẻ nào dấy lòng sai khiến người khác làm chuyện ếm đối thì tội càng nặng hơn những tay phù thủy.

Nếu có hạng người như vậy, phép Vua sẽ xử chém, luật lệ cõi âm càng nghiêm khắc. Đời Đường, có viên Chủ Bạ ở Vương Ốc là Công Tôn Xước. Khi ông ta đến nhậm chức, bỗng chết đột ngột.

Một hôm, ông báo mộng cho quan huyện:

Tôi có nỗi oán hận, cầu trưởng quan giải oan cho tôi. Mạng tôi chưa đáng chết, bị nô tỳ ếm đối để thuận tiện trộm cắp. Nhà tôi ở Hà Âm, nếu trưởng quan có thể chọn bọn nha dịch tráng kiện, cầm trát đến bắt chúng, ắt chúng sẽ chẳng lọt lưới.

Phía dưới hàng ngói thứ bảy đếm từ phía Đông của mái nhà tôi, có hình dạng của tôi làm bằng gỗ ngô đồng, đinh đóng kín trên ấy. Do thời gian đã lâu, hình tượng ấy đã bị biến đổi.

Hôm sau, quan huyện quả nhiên chọn lính khỏe mạnh cầm trát và gởi thư cho quan huyện Hà Âm, bắt hết bọn nô tỳ, và lục soát trên mái nhà, tìm được hình người dài hơn một thước, bị đóng đinh khắp thân, chất gỗ đã dần dần biến thành thịt, gõ vào thì có âm thanh đùng đục. Gạo thóc tích trữ trong nhà Công Tôn Xước đều bị trộm sạch, quan huyện bèn báo lên tri phủ, chúng đều bị xử cực hình.

Phàm ác thuật yểm mị vốn phần lớn do bọn phụ nữ, tỳ thiếp làm ra. Ấy là vì bọn chúng muốn nhờ vào đó để chuyên quyền, hoặc được sủng ái, so ra còn mạnh mẽ hơn cái tâm tham lợi. Người thời nay hãy nên hết sức giữ cho bản thân chánh đáng, giữ yên gia đình, giữ môn hộ cẩn thận, chớ để bọn Thầy bà, đồng cốt, tà giáo có thể ra vào, lui tới. Đấy là phương cách để dứt tuyệt tận nguồn.

Những kẻ đang làm quan cũng nên ra lệnh nghiêm ngặt lùng bắt bọn chúng để dứt tuyệt chuyện này, công ấy cũng chẳng nhỏ. Một nhánh cỏ, một thân cây, đều là mầm sống của tạo vật. Ông Cao Sài thấy thảo mộc vừa mới tăng trưởng bèn chẳng bẻ, được Khổng Tử khen ngợi.

Đức Phật dạy:

Cây cối lâu năm, phần nhiều có Quỷ Thần nương gá, chớ nên khinh thường đẵn chặt. Hễ đẵn chặt, sẽ thường mắc họa.

Đẵn chặt mà còn chẳng nên, huống hồ là dùng thuốc giết chết ư?

Như Vân Cù ở Đào Nguyên tánh âm hiểm, tàn độc, chẳng ưa hàng xóm, ngầm dùng thuốc độc giết chết sạch những cây ăn quả của người hàng xóm đã trồng. Một hôm, Vân Cù ra ngoài, trở về, trong lúc nhá nhem thấy ánh đèn lập lòe, binh lính, giáo mác tua tủa. Hắn bị bọn lính trói dẫn tới một khu rừng.

Một vị thần trách mắng:

Cỏ cây cũng là sanh mạng do Trời cao ban tặng, sao mày lại giận tức giết chết?

Phần nhiều là do ngũ tạng bất bình mà ra. Vị thần sai bọn lính mổ bụng hắn, lôi phổi, gan ra. Như Vân Cù kinh hoảng tỉnh giấc, bị chứng đau tim và đau bụng mà chết.

Trần Thức mời một Thầy địa lý xem mộ tổ, thấy trước mộ có một cây to, vốn là cây trồng bên phần mộ người khác. Thầy địa lý nghĩ cây sẽ che lấp Thiên tâm, cần phải chặt cây ấy đi thì mới có hy vọng đỗ đạt. Vì thế, ông ta khuyên ông Trần mua gai cá hổ để ngầm dùng chất độc giết chết cây.

Ông Trần không chịu, nói:

Chúng ta đôi bên đều mong tốt lành, thuận lợi, huống chi cội cây to sum xuê sao lại nỡ giết chết?

Chưa đầy một năm, cội cây ấy bị gió to trốc gốc, thiên tâm rộng thênh thang, con ông là Khuê thi đỗ liên tiếp, làm đến Ngự Sử.

Chánh văn:

Khuể nộ sư phó, để xúc phụ huynh.

Chánh văn:

Oán giận Thầy dạy của chính mình, xung đột với cha anh. Điều này khác với Mạn tiên sanh khinh mạn Thầy Giáo trong phần trước. Mạn là vô cớ mà ngạo mạn, còn ở đây là do Thầy dạy bảo, quở trách mà tức giận. Đạo phụng sự Thầy của Cổ Nhân là Chẳng trái phạm, chẳng giấu diếm Thầy.

Hễ được Thầy dạy bảo, thảy đều trống lòng dịu ý tiếp nhận, há có nên giận dữ?

Kẻ tức giận ắt là phường bạc đức, chẳng có phước vậy. Đời Minh, Uông Hội Đạo tánh dĩnh ngộ, mắt nhìn qua sách liền thuộc. Tám tuổi đã có thể viết văn, nhưng phụng sự Thầy bèn ngạo mạn dị thường. Hễ hơi trái ý, ắt giận dữ chửi bới sau lưng Thầy.

Một ngày, hắn ngồi một mình trong phòng học, bỗng ngáp to, trong miệng nhảy ra một con quỷ, chỉ Hội Đạo bảo:

Mày vốn là đỗ đầu thiên hạ, do mày tức giận Thầy mình, Thượng Đế đã gạch tên trong sổ lộc. Tao cũng rời khỏi nơi đây. Nói xong, chẳng thấy nữa. Hắn giở xem những gì đã biên chép trước đó, mờ mịt chẳng biết một chữ nào.

Ngụy Chiếu thời Đông Hán, lúc còn bé gặp Quách Lâm Tông, nghĩ Kinh sư dễ gặp, nhân Sư khó gặp, bèn xin được hầu hạ bên cạnh, quét tước, dọn dẹp. Lâm Tông bệnh, sai Ngụy Chiếu nấu cháo.

Cháo nấu xong, dâng lên, Lâm Tông quở trách nặng nề:

Vì người bề trên nấu cháo, chẳng dốc lòng cung kính, khiến cháo nuốt không nổi. Ngụy Chiếu lại nấu cháo khác dâng lên, lại bị quở trách đến ba lần, Ngụy Chiếu chẳng đổi sắc mặt.

Quách Lâm Tông nói:

Ta thoạt đầu thấy mặt ông, từ nay trở đi mới biết tâm ông. Đời Tống, Đặng Chí làm Thầy dạy tại trường tư thục, khéo khuyên dạy. Miệng không ngớt nói đến chuyện Hiếu Đễ, gặp người khác bèn dùng lòng thành, tận tâm dạy bảo. Thời Tống Thần Tông, con cả của ông là Oản làm Hàn Lâm Học Sĩ, con thứ là Tích và hai cháu nội đều đậu Tiến Sĩ một lượt.

Mọi người đều nói đó là quả báo do ông đã dốc trọn lòng thành dạy dỗ. Trẻ nhỏ sanh trong nhà no ấm, khí chất của nó có thể biến hóa trong sáng tối, nhưng kẻ đã kiêu căng thành tánh, sẽ dễ mê muội, đọa lạc. Chỉ cốt sao người làm Thầy, hãy dùng phương tiện khuyên dạy, khiến cho kẻ ấy Khai Ngộ.

Hãy gắng lên! Để xúc xung đột, chống trái, xúc phạm cũng khác với Ám vũ ngấm ngầm khinh nhờn. Ám vũ thì điều ác ẩn sâu, còn Để xúc thì tội rành rành. Phàm trong ăn nói, cư xử, làm việc, hễ có chuyện chẳng vừa ý vặt vãnh bèn xung đột. Cha và anh đứng đầu trong ngũ luân, Hiếu Đễ đứng đầu đạo làm người.

Chỉ nên cung kính, vâng theo, ăn nói nhỏ nhẹ, sắc mặt dịu dàng. Dẫu cha có thiên vị, anh có lấn lướt, chỉ nên khéo léo giải thích, khuyên can, tự xét bản thân để tu tập. Vạn nhất cha, anh cứ chấp mê chẳng phản tỉnh, cũng nên hòa khí bình tâm. Lâu ngày họ sẽ tự nhiên hòa hảo.

Nếu hơi có tức giận, sẽ dẫn đến xung đột, tức là trái nghịch luân lý, chẳng có chỗ dung thân trong vũ trụ vậy. Đời Minh, Phí Hoằng ở Nga Hồ cùng một người bạn đồng niên đấu cờ vây, đùa giỡn tát má người ấy. Người bạn đồng niên không vui, Phí Hoằng hối lỗi, hằng ngày đến thỉnh tội, người bạn ấy trọn chẳng ra tiếp.

Cha Phí Hoằng nghe chuyện, tức giận, đóng gói một cái roi cật tre, gởi tới kinh đô, truyền Phí Hoằng tự đánh. Phí Hoằng cầm thư và roi cật tre, đến nhà người ấy, tự đánh ba lần, người bạn đồng niên mới ra tiếp, ôm đầu mà khóc.

Phí Hoằng thưa:

Tội do tôi tạo, anh khóc làm gì?

Người bạn đồng niên nói:

Anh có cha đốc thúc, quở trách, tôi cầu có người đốc thúc, trách mắng mình mà chẳng thể được. Đôi bên thân thiết như thuở đầu. Vì thế, ta thấy Cha Mẹ đã khuất, mà còn có thể gặp chuyện bèn xúc động, bi ai, ắt cũng biết người ấy sẽ chẳng nỡ lòng xúc phạm khi Cha Mẹ còn sống.

Nhưng Cha Mẹ còn sống cố nhiên là chẳng thể sống lâu mãi được, đau đớn lắm thay. Thôi Hiếu Vỹ đời Hậu Ngụy phụng sự anh là Hiếu Phân cung kính, thuận thảo trọn mọi bề. Ngồi, đứng, tiến, lùi chỉ nghe theo mạng lệnh của anh. Một đồng, một thước vải, chẳng cất giấu riêng, các bà vợ cũng thân ái với nhau, cũng là rất khó thấy trong đời hiện thời vậy.

Đời Minh, ông Nhan Mậu Do nói:

Người hiện thời bất hiếu với Cha Mẹ, chỉ vì chẳng chịu tự vấn lương tâm.

Chỉ cần nghĩ cái thân này do đâu mà có, Cha Mẹ đi về đâu?

Cành mới đã trổ, gốc cũ bèn khô.

Dẫu nghèo hèn mà vẫn cung kính phụng dưỡng khiến cho Cha Mẹ hoan hỷ, làm sao có thể báo đáp?

Nghĩ như vậy, ắt hiếu tâm tự nhiên đau đáu dấy lên.

Lại nói:

Người hiện thời chẳng tôn kính người bề trên, mà cũng chẳng chịu hồi tâm tự vấn, chỉ cần nghĩ trong cõi thế gian mênh mang này, sống trên đời được mấy chốc, trong cõi nhân gian mịt mờ, được mấy người là ruột thịt?

Thuở bé thì cùng nhau giúp đỡ trong cảnh khốn đốn, đến già thì nâng đỡ nhau, ắt tình nghĩa sẽ tự nhiên khắng khít, khẩn thiết.

Người đời hãy đọc kỹ, suy nghĩ cặn kẽ hai câu chuyện của ông Thôi và ông Phí, cũng như lời nói của ông Nhan, ắt sẽ nhất thời nước mắt ràn rụa, chân tánh bèn phơi bày trọn hết, lại cần gì phải kể ra những quả báo vì xung đột, xúc phạm nữa ư?

Chánh văn:

Cưỡng thủ cưỡng cầu, hiếu xâm, hiếu đoạt.

Chánh văn:

Đoạt ngang, cướp cạn, thích xâm lấn, thích chiếm đoạt. Phần số chẳng đáng có, mà cứ ắt muốn đạt được thì gọi là Cưỡng. Lấy những thứ của người khác để cung cấp cho chính mình là Thủ. Do vì chính mình mà nhờ cậy người khác thì gọi là Cầu.

Dùng quỷ kế để ngấm ngầm chiếm lấy thì gọi là Xâm. Cậy thế chiếm lấy công khai thì gọi là Đoạt. Đạt được như thế, sẽ khó thể tiêu thụ, ắt sẽ là ngay cả những gì vốn có cũng bị mất luôn.

Trịnh Tuyên nói:

Tôi thấy tiền bạc là món vật mọi người đều yêu mến, ắt sẽ tranh giành. Cốt nhục bởi nó mà dẫn đến gây hấn. Hàng quan lại do tiền mà danh tiếng suy bại. Con buôn vì thứ này mà mất mạng. Phố phường do tiền mà đấu đá, chém giết.

Nó chợt đến, chợt đi, thoáng sang, thoạt hèn, lung lạc suốt một đời. Nói chung, tiền bạc đem lại phước cho con người thì ít, mà dẫn đến họa cho con người thì nhiều.

Tôi đã từng nhìn kỹ hình dạng của nó, trong chữ Tiền, bên cạnh chữ Kim là chữ Qua cái giáo, đúng là vật giết người. Thế mà người ta chẳng tỉnh.

Ôi! Tiền ơi, tiền hỡi, do ta nghèo túng, cầu ngươi nuôi sống ta mà chẳng thể được. Vì thế, ta đành bó tay với ngươi.

Do ta nghèo hèn, ngươi muốn giết ta mà cũng chẳng thể được, há ngươi có thể làm gì được ta ư?

Vệ công Triệu Hùng lúc còn hàn vi, nghèo khổ nhất. Mẹ còn sống mà không có gì để phụng dưỡng mẹ sống qua ngày, vợ chồng nhìn nhau khóc. Hôm sau, quét đất, nhặt được một nén bạc, nặng hai mươi lăm lượng bèn có thể sống tạm. Về sau, ông đạt đến địa vị Tể Tướng, theo lệ, tiền lương là một trăm đĩnh bạc. Khi nhận bạc, bị thiếu mất một đĩnh.

Ông sắp sửa vặn hỏi người giữ kho, thì đêm mộng thấy Thần bảo:

Vào ngày tháng năm đó, tướng công đã mượn dùng trước một đĩnh.

Ôi! Trong mạng tiền tài, thời vận chưa đến, còn chẳng thể ra sức giành giật được, huống hồ trong vận mạng vốn chẳng có mà cứ cưỡng chiếm ư.

Tại Giang Tây, Triệu Thượng Thư sống gần nhà ông Thường Tỉnh Nguyên. Ông Thường có một mảnh vườn hết sức tao nhã.

Họ Triệu dùng đủ mọi kế cưỡng chiếm, ông Thường bèn lập văn khế tặng cho họ Triệu, đề bài thơ đằng sau tờ văn khế rằng:

Càn khôn đáo xứ thị ngô đình,

Cơ giới tùng lai vị tất chân,

Phúc vũ phiên vân thành để sự, 

Thanh phong hạo nguyệt lãnh khan khán nhân,

Lan Đình hễ sự kim phi Tấn, 

Đào động hoa thần dã tiếu Tần,

Viên thị chủ nhân, thân thị khách,

Vấn quân hoàn hữu kỷ niên xuân?

Tạm dịch:

Đất Trời mọi chốn vốn vườn nhà,

Mưu mẹo giành về há thật a?

Đảo lộn mây mưa hòng đoạt lấy,

Trăng trong gió mát vẫn ơ hờ.

Buổi tế Lan Đình thành quá khứ,

Thần hoa Đào Động vẫn cười Tần,

Vườn là chủ nhân, ta khách trọ,

Hỏi chàng còn được mấy năm xuân?

Ông Triệu nhận được bài thơ, hối hận, tạ ơn, từ chối, chẳng dám nhận khu vườn ấy. Về sau, ông Thường đậu cao. Ông Thường dùng đức để khiến cho người khác cảm động, ông Triệu dũng mãnh hối lỗi. Hiện thời, hiếm có kẻ được như hai vị ấy.

Dương X… ở Côn Sơn một hôm ngồi ở cửa, thấy một phụ nữ đi qua, đánh rơi cái trâm bằng bạc xuống đá lót đường, vang tiếng leng keng. Cụ vội đến xem, thấy là một con giun con trùn. Do dự một hồi lâu, bỗng có một người đàn ông đi qua, nhặt lấy.

Cụ Dương lớn tiếng bảo:

Đây là cái trâm do ta đánh rơi. Người ấy biết là xạo, rảo bước bỏ đi.

Cụ Dương cứ quấn lấy không buông, người ấy lấy ra hai phân bạc, dùng một nửa để mua cá, giao cho cụ nửa phân kia, dặn:

Ông già đừng khiến cho tôi vướng bận chân tay nữa, hãy dùng bạc này để mua rượu, nấu cá, nhậu cho đã một tối là được rồi. Cụ Dương quay về, sai con dâu nấu cá. Trong khi đang hâm rượu, con mèo nhà hàng xóm bỗng ngậm cá tha đi. Người con dâu vội lấy gậy phang mèo. Do đó, rượu bị đổ sạch, mà vật dụng đựng cá cũng vỡ nát.

Trâm hóa thành giun, dường như là chuyện đáng nên tỉnh ngộ, thế mà vẫn cứ cưỡng lấy, có thể ăn được hay chăng?

Ôi chao! Kẻ tham lam.

Ôi chao! Kẻ bạc mạng. Việc nhỏ mà còn như thế, vậy thì cũng biết chuyện lớn là như thế nào. Ở huyện Ngân, có gã họ Lục gian trá, giàu có. Do sản nghiệp của họ Trịnh ở gần nhà hắn, họ Lục bèn ngấm ngầm tính kế xâm chiếm.

Đã đoạt được, bèn san bằng ngôi nhà của họ Trịnh để kiến tạo thành vườn hoa theo lối cung đình, chỉ chừa lại một cội cây đẹp nhất. Về sau, họ Lục sanh được một trai, nó đã lên năm mà câm bặt, chẳng thể nói.

Bỗng một hôm, nó chỉ cội cây, nói:

Cây ơi! Nay mày vẫn còn đó à?

Người nhà hết sức kinh hãi. Nó nói xong lại câm. Chữa trị đủ kiểu, trọn chẳng thốt ra một tiếng nào. Đến khi khôn lớn, nó hoang dâm, ăn chơi, kiêu ngạo, khi gia sản đã khánh kiệt bèn chết. Người ta nói nó là hậu thân của họ Trịnh.

Đời Minh, Vương sanh ở Nam Đô tánh tham lam, thô bỉ. Người bác họ của hắn đã chết, không có con, nhưng đã có người thừa kế. Vương sanh nhòm ngó gia sản của ông ta, muốn cưỡng chiếm.

Thưa kiện suốt mấy năm, gặp phải vị quan xét xử giữ đúng lẽ công bằng, hơi trấn áp hắn, hắn liền nhục mạ, hủy báng không ngớt. Năm ấy, khi hắn dự khóa thi mùa Thu, khéo sao, vị quan từng thẩm vấn hắn lại làm chủ khảo.

Các giám khảo đã chấm văn bài của hắn đậu hạng nhất, niêm phong quyển văn, trình lên quan chủ khảo. Tới khi quan chủ khảo rọc niêm phong ra coi, thấy tên của thí sinh chính là gã đã chiếm đoạt cơ nghiệp của người bác họ khi trước, bèn quăng đi, loại bỏ tên hắn.

Chánh văn:
Lỗ lược trí phú, xảo trá cầu thiên.

Chánh văn:

Cướp bóc để trở nên giàu có. Xảo trá để cầu thăng quan tấn chức. 

Nói đến Lỗ lược cướp bóc, chẳng phải là do áp dụng phương thức chiến tranh để chiếm đoạt thì làm sao Quý Vị đạt được?

Nhưng kẻ làm quan bóc lột dân chúng, lén bòn rút công quỹ, hoặc bọn cường hào ác bá cho vay lãi nặng, đều là Lỗ lược. Dùng kiểu ấy để làm giàu, ắt sẽ dẫn đến chuyện nhà tan cửa nát, gia đình chia lìa, vợ gào, con khóc thừa.

Há có thể an hưởng?

Chẳng nghe nói đến chuyện heo đất phác mãn ư?

Hậu như trong Hán Thư đã nói chính là cái muộn hồ lô heo đất, ống để dành tiền trong hiện thời, làm bằng gốm. Phía trên vật ấy có khe hở, chỉ có thể bỏ tiền vào, chẳng thể lấy ra. Người ta dùng nó để dành tiền, đợi đến khi nó đã đầy mãn, bèn đập ra phác để lấy tiền.

thế, gọi là Phác mãn. Trong khi để dành, chỉ sợ chẳng đầy. Tới khi nó đã đầy tiền, đập vỡ rồi thôi. Bình vỡ, tiền chẳng còn, hai bên đều trở thành huyễn.

Cất chứa cho lắm, về sau mất đi, khác chuyện này?

Đời Tống, Lộ Công Văn Ngạn Bác được cử trông coi Trường An.

Một hôm, ông đến đập Bôn Ngưu, có một con trâu dùng để chở đất đắp đập nói tiếng người:

Ta và Văn Ngạn Bác làm quan đồng triều hai mươi năm, nay ta còn mặt mũi gì để nhìn ông ta?

Lính canh đập thưa trình chuyện ấy, ông bảo dắt con trâu ấy tới. Con trâu tới nơi, nằm mọp xuống đất, cúi gằm đầu, tuôn nước mắt như mưa.

Ông than dài:

Vị này lúc còn sống đã bòn rút công quỹ, nay mắc phải báo ứng này. Do vậy, ông bảo người giữ kho trong nhà mình bỏ ra hai mươi quan tiền để tăng thêm lượng thức ăn cho con trâu ấy. Phàm công quỹ là do dân đóng góp, viên quan tham ô công quỹ biến thành con trâu chở đất đắp đập để đền trả dân chúng.

Kẻ đọc đến chuyện này, hãy nên suy nghĩ. Đới Văn tánh tham lam. Mỗi lần, hắn cho kẻ khác vay tiền, đều tính lãi nặng gấp mấy lần để bóc lột.

Nếu trả nợ hơi trễ, liền đích thân đến chèn ép thúc nợ. Nợ nhiều thì xiết ruộng nương, nhà cửa, con cái. Nợ ít thì quần áo, đồ trang sức, gia súc, thảy đều dọn sạch. Tới khi hắn chết, sanh làm trâu trong nhà hàng xóm, dưới hông có lông trắng, ghi hai chữ Đới Văn. Hàng xóm đều mướn nó để cày ruộng.

Có người đã từng bị Đới Văn tước đoạt khi hắn còn sống, cho nên sai khiến, đày đọa con trâu tàn nhẫn. Một gã bán dầu ở Tô Châu đến một nhà giàu có, trông thấy một đứa bé năm tuổi đội mũ gắn chân châu, đeo vòng vàng, bèn dấy lòng ác, ôm nó tới chỗ vắng vẻ, giết chết. Do vậy, hắn bỗng trở nên giàu có.

Hắn sanh một đứa con, giống hệt như đứa bé đã bị giết, cho nên trong tâm hắn rất ghét nó. Tới khi đứa con năm tuổi, gã bán dầu trong tháng Hè bỗng ngủ gà gật, đứa bé rút cây trâm bằng bạc trong búi tóc, giỡn hớt chọc vào ngực hắn. Gã đó ngỡ là ruồi bu, giơ tay đập một phát, trâm xuyên thủng ngực mà chết.

Xem câu chuyện này, phải biết người hiện thời dùng vàng ngọc trang hoàng cho con cái cũng phải nên thận trọng. Bậc Quân Tử hễ dự vào hàng quan lại, hãy nên coi Trung trực, công bằng, thanh liêm là chuyện thuộc về phận sự của chính mình.

Nay cũng vì cầu được thiên chuyển, thăng chức mà xảo trá, ắt tâm thuật chẳng đoan chánh đến tột cùng. Đặt kẻ ấy trong triều, ắt hắn sẽ chẳng tận trung, chẳng công bằng.

Đưa hắn ra cai trị dân, hắn làm sao có thể liêm khiết cho được?

Vì thế, đức Thái Thượng đặc biệt răn nhắc. Huống chi trong đời người, công danh và tánh tình nhanh nhẹn hay chậm chạp đã được định sẵn từ lúc mới sanh ra, dẫu lo toan, chạy vạy suốt đời, chẳng thêm được mảy may nào, chỉ tạo trò cười cho người thông đạt, bị Quỷ Thần quở trách.

Thời Vua Tống Hiếu Vũ nhà Lưu Tống, Đới Pháp Minh, Đới Minh Bảo, và Sào Thượng Chi là ba kẻ nắm trọng quyền thuở ấy. Hễ kẻ nào được họ tiến dẫn, hoặc những điều họ nói ra, không chẳng được Vua chuẩn tấu thực hiện. Chỉ có mình ông Cố Khải Chi chẳng chịu xu phụ bọn chúng.

Ông từng nói:

Vận mạng đã được ấn định sẵn, chẳng phải là do trí lực mà có thể đổi dời được. Chỉ nên cung kính, kiềm chế bản thân, giữ đạo.

Nếu do xảo quyệt, hư vọng mà may mắn đạt được, chỉ là chôn vùi tiết tháo đó thôi, liên quan gì đến chuyện được mất?

Nếu có kẻ thấy nói kiểu này bèn hỏi tôi:

Thời nay thường có kẻ dùng mưu trí để đạt được quan chức là vì lẽ nào?

Thưa rằng, vẫn là do mạng. Tuy nhiên, dùng phương pháp quỷ quyệt để bắt chim, bậc Quân Tử ắt chẳng làm.

Năm Ất Tỵ một nghìn sáu trăm sáu mươi năm đời Khang Hy nhà Thanh, gã họ Kê ở huyện Sơn Âm được cử làm dịch thừa tại Long Giang Kiều tỉnh Vân Nam. Hắn sợ xa xôi, chẳng muốn đi.

người dân bán rượu họ Châu, gia cảnh thuộc loại đủ ăn, họ Kê từng chủ động đến nhà anh ta, bảo:

Ngươi đưa cho ta hai trăm lạng, ta sẽ trao văn bằng cho ngươi. Họ Châu trong lòng rất cao hứng, liền trao tiền, nhận bằng. Người ấy đến nhận chức, khéo sao phủ quân quan Thái Thú đã quen biết với anh ta từ trước, luôn giao phó cho anh ta những công tác tốt đẹp.

Anh ta làm năm năm bèn có được mấy ngàn lạng. Họ Châu đã mãn nguyện, bèn viện cớ bệnh tật để xin về. Gã họ Kê sau khi nhận được vàng, lại đổi tên, vào làm việc ở bộ Lại. Tới khi ông Châu đã xin về, họ Kê lại được phái đảm nhận chức vụ ấy.

Trước khi đó, có một đêm nọ, hắn đi nhà xí, thấy hai người áo xanh nói với nhau:

Gã này là quan vậy?

Đáp: Quan coi dịch trạm tại Long Giang Kiều. Nói xong, không thấy đâu nữa. Đến khi tới nhậm chức, họ Kê lại được bổ về Long Giang Kiều. Hắn vừa mới nhậm chức, Ngô Tam Quế làm phản Triều Đình, chẳng biết họ Kê có kết cục như thế nào.

Đời Thanh, Tiền Bang Khởi ở Đơn Đồ nói:

Phàm nhân luôn có tác dụng thông thiên, rốt cuộc thì làm thế nào để có thể tranh đua với số phận đã định?

Chỉ có một cách là dùng âm chất, ắt có thể vãn hồi số phận đã định. Hôm qua làm, hôm nay có hiệu nghiệm. Buổi sáng làm, buổi tối có hiệu nghiệm. Báo ứng trong cõi âm nhanh chóng nhất, sự giám sát của Thần Minh tột bậc rõ rệt.

Đấy chính là đường lối không gì nhanh chóng bằng. Kẻ có tâm hễ thử sẽ biết ngay.

***