Trong quaù khöù quan ñieåm
giaù trò laø hieáu, ñeã, trung,
tín, leã, nghóa, lieâm, sæ.
Hieän thôøi chaúng coøn nöõa.

tonsutrongdao.edu.vn

CẢM ỨNG THIÊN VỰNG BIÊN - CHƯƠNG HAI - THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN - CHÚ GIẢNG CHỨNG ÁN VỰNG BIÊN - TẬP MƯỜI NĂM

CẢM ỨNG THIÊN VỰNG BIÊN

Tác giả: Đức Thái Thượng Lão Quân


 

CHƯƠNG HAI

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

CHÚ GIẢNG CHỨNG ÁN VỰNG BIÊN

 

TẬP MƯỜI NĂM
 

Chánh văn:

Âm tặc lương thiện, ám vũ quân thân.

Chánh văn:

Lén hại người lương thiện, ngấm ngầm khinh rẻ Vua và Cha Mẹ. Âm tặc là âm mưu làm hại, như mũi tên bắn ngầm làm kẻ khác bị thương, khó đề phòng nhất. Hơn nữa, người khác bị ta hại, ta chẳng mang tiếng ác.

Hạng người ấy còn đáng sợ hơn các thứ lỵ mị võng lượng. Làm điều này đối với người khác đã là chớ nên, ngấm ngầm làm hại người lương thiện lại càng chẳng nên. Bởi lẽ, người lương thiện được dân chúng trọng vọng. Ở trong một nước, ắt được cả nước trọng vọng. Ở trong một làng, ắt được cả làng trọng vọng.

Há có nên âm thầm hãm hại người ấy hay không?

Đời Đường, Lý Lâm Phủ làm Tể Tướng, âm hiểm chẳng lường, tàn hại người lương thiện. Chuyện ác của hắn chẳng thể kể xiết. Khi hắn sắp tiêu đời, thấy một con quỷ răng như lưỡi cưa, móng tay như móc câu, khắp thân đầy lông lá, mắt như ánh chớp, giơ tay đánh Lâm Phủ.

Không lâu sau, Lâm Phủ thất khiếu ứa máu mà chết. Hắn chết rồi, Triều Đình hạ lệnh lột sạch quan tước, bửa quan tài hành hình xác hắn. Con cháu bị lưu đày xuống vùng Lãnh Nam.

Vào đầu niên hiệu Thuần Hy đời Tống, tại Hán Châu, có một người đàn bà bị sét đánh chết, trên xác có chữ viết bằng châu sa rằng:

Lý Lâm Phủ làm bầy tôi bất trung, ngấm ngầm tàn hại kẻ lương thiện. Ba đời làm gái điếm, bảy đời làm trâu. Báo hết, vĩnh viễn đọa trong loài thủy tộc. Kẻ tiểu nhân hãm hại bậc Quân Tử, may mắn thành công, bèn nói Đã nắm giữ sự sanh tử của họ.

Chẳng biết họ bậc Quân Tử bị chết trong tay chúng nó phường tiểu nhân cũng là do oán đối khiến thành như vậy, chẳng phải là do chúng nó có thể làm như thế được. Nếu bậc Quân Tử chẳng có oán đối, mặc cho kẻ tiểu nhân giở trò như thế nào  đi nữa, rốt cuộc chẳng thể hại chết người ấy.

Kẻ ác hại người khác ví như ngửa mặt nhổ lên Trời, chẳng nhổ vào Trời nổi, mà ngược ngạo rơi xuống ngay chính mình. Chớ nên hủy hoại người hiền, ắt sẽ mang họa chính mình bị tàn diệt cũng giống như thế.

Nhưng hai chữ Âm Tặc chẳng bắt buộc cứ phải là kẻ làm quan. Bất cứ ai khác cũng đều có thể âm tặc, nhưng những kẻ trong nha môn là tệ nhất. Những thói như lạm dụng quyền thế để báo cừu riêng, thừa dịp tra xét để quấy nhiễu, ngấm ngầm khuấy động sóng gió, nặc danh vu cáo… Há có biết đạo Trời tuần hoàn, chưa hại được người mà đã hại chính mình trước.

Hãy suy nghĩ đi. Ám là chỗ người khác chẳng thấy, chẳng nghe. Vũ là khinh rẻ. Câu này chuyên vì kẻ hiếu danh và trái nghịch tình lý mà nói ra. Ơn Vua và ơn Cha Mẹ như Trời đất.

Nếu đã ăn lộc của Vua mà hành sự biếng nhác, do tham lợi mà làm theo lẽ riêng tư, hoặc gian xảo, dua nịnh, mặc sức lừa dối, cái tâm chẳng thể cho Vua biết tức là ngấm ngầm khinh  rẻ Vua. Phụng dưỡng Cha Mẹ chẳng chân thành, hành xử trong cõi đời không ra gì, hoặc màu mè che đậy sự ngỗ nghịch, cái tâm chẳng thể cho Cha Mẹ biết, đấy chính là ngấm ngầm khinh rẻ Cha Mẹ vậy.

Bất trung, bất hiếu, hại giáo, phản đạo, không gì tệ hơn nữa. Sống thì sẽ gặp Trời giáng họa, chết bị tra khảo trong chốn Phong Đô, ắt cũng chẳng thể dung thứ được.

Đời Tống, Doãn Hòa Tĩnh khi sắp vào cung giảng giải Kinh Điển, ắt tắm rửa, đoan nghiêm, chắp tay, hướng về bộ sách sẽ được giảng trong ngày hôm sau, mặc triều phục lễ lạy.

Kẻ khác hỏi nguyên cớ, ông nói:

Ắt mong khiến cho những lời tôi nói ra sẽ khiến cho Đức Vua cảm ngộ, sao lại chẳng trọn hết lòng thành kính cho được?

Vua Tuyên Tông Nhà Minh thích văn từ, thơ phú, hay bảo quần thần xướng họa.

Gã Học Sĩ nọ tự phụ tài cao, mỗi lần vâng mạng Vua làm xong bài thơ, liền nói:

Thơ hay như thế, không chỉ là Hoàng Đế chẳng làm được, mà có xem kiểu nào cũng không hiểu nổi. Chẳng lâu sau, do làm thơ dùng chữ phạm vào cấm kỵ của Triều Đình, lời lẽ có phần châm chọc, chế nhạo, phạm tội bất kính, bị lột sạch chức tước.

Thời Tam Quốc, danh sĩ nước Ngô là Cố Đễ mỗi lần nhận thư cha, đều quỳ đọc. Đọc mỗi câu đều thưa vâng. Nếu cha bị bệnh, liền đối trước thư khóc ròng, lời nói càng nghẹn ngào. Lại như Phạm Tuyên đời Tấn, lúc lên tám, ngẫu nhiên ngón tay bị thương, bèn khóc ròng.

Có người bảo:

Sao lại đau đớn đến mức ấy?

Phạm Tuyên khóc, thưa:

Chẳng phải vì đau đớn, mà do nghĩ da tóc nơi thân được nhận lãnh từ Cha Mẹ, chẳng dám hủy hoại, tổn thương. Con buồn là vì lẽ này. Hai ông về sau đều quý hiển.

Có hai anh em nọ, cứ mỗi năm ngày bèn thay phiên nhau nuôi mẹ. Anh nghèo, em hơi giàu.

Lúc anh nuôi mẹ, cháo cũng chẳng có, còn hai ngày chưa hết phiên, đã nói:

Mẹ qua nhà em rồi con sẽ bù sau. Mẹ đến nói với đứa em ý của thằng anh. Đứa em bảo vợ giấu cơm đi, kiên quyết cự tuyệt. Mẹ rơi lệ trở về. Bỗng sấm chớp đùng đùng nổi lên, đánh chết tươi cả hai vợ chồng.

Than ôi!

Kẻ bất trung bất hiếu bị cõi âm tru lục, thóa mạ vạn năm, họa báo thê thảm như thế đó. Ấy là vì Vua và cha đứng đầu trong Ngũ Luân. Vì thế, thờ Vua, thờ cha, càng chẳng thể không chú trọng lấy lòng thành làm đầu.

Chánh văn:

Mạn Kỳ Tiên Sinh, bạn kỳ sở sự.

Chánh văn:

Khinh mạn Thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự. Tiên Sinh Thầy dạy chính là bậc truyền trao đạo của Thánh Hiền, dạy dỗ học vấn, giải trừ nghi hoặc. Cha Mẹ sanh ra thân ta, ắt phải nhờ Thầy thành tựu học vấn cho ta.

Vì thế, Thầy được tôn trọng giống như Vua và cha. Người hiện thời mời Thầy dạy con, phần nhiều thường là biểu hiện lễ tiết theo hình thức, tiếc tiền, thiếu lễ. Thậm chí ăn nói chẳng nhũn nhặn, thiếu hẳn lễ độ theo lẽ thường, ôm lòng coi thường Thầy. Hạng người ấy cố nhiên chẳng khác cầm thú cho mấy.

Còn kẻ làm Thầy để mở mang đầu óc cho trẻ nhỏ, có âm đức lớn nhất, há có nên vì nhận quà cáp, lương bổng của người ta mà dung túng trẻ, chẳng dạy dỗ nghiêm ngặt, đến nỗi kẻ khác mắc họa chẳng thành tài ư?

Thầy làm bài tập thay cho trò, dối gạt phụ huynh.

Do tham cầu tiền bạc, bèn hối lộ mua chuộc công danh, tôi chẳng biết sự báo ứng của họ sẽ như thế nào?

Khinh mạn Thầy cố nhiên là chẳng nên, nhưng kẻ làm Thầy lại khiến cho kẻ khác khinh mạn thì lại càng chẳng nên vậy. Hán Minh Đế tôn Hoàn Vinh làm Thầy, dốc trọn lòng thành kính. Vua đến phủ Thái Thường, bảo Hoàn Vinh ngồi ở phía Đông, bày gậy chống, nhóm họp bá quan kính lễ Thầy.

Đời Tống, Du Tạc và Dương Thời cùng theo học với Trình Di. Một hôm, họ đến gặp Thầy, ngẫu nhiên Trình Di đang tĩnh tọa. Hai ông đứng hầu. Khi Trình Di tĩnh tọa xong, ngoài cửa, tuyết đã xuống dầy chừng cả thước. Thế mà hai ông chẳng có dáng vẻ ủ rũ, càng cẩn thận giữ lòng cung kính hơn. Hai ông đều truyền thừa Đạo Học của Liêm Lạc.

Đời Tống, Bành Nhữ Lệ tôn Nghê Thiên Ẩn làm Thầy, lễ tiết, phụng sự tột bậc cung kính. Về sau, vợ chồng ông Nghê đều mất, do ông bà không có con trai, ông Bành bèn đứng ra chôn cất. Lại còn gả con gái của họ cho Tiến Sĩ Tống Hoán.

Đời Tống, Thầy của Nhạc Vũ Mục Nhạc Phi là Châu Đồng, dạy Nhạc Phi bắn cung nặng đến ba trăm cân. Châu Đồng chết. Mồng Một và ngày Rằm, Nhạc Phi ắt bày cỗ cúng tế trước mộ, quỳ lạy, khóc lóc, cầm cung tên do Châu Đồng đã tặng, bắn ba phát rồi mới quay về.

Một nông gia sanh được một con trai, ý hết sức tha thiết lo cho con học hành, nhưng đối đãi với Thầy qua quít, khinh mạn khôn sánh. Cơm chỉ là ăn với rau, trả lương ắt dùng bạc xấu.

Thầy tận tâm dạy dỗ đã lâu, trò đọc văn của người khác thì hiểu rõ ràng, nhưng nó tự viết văn thì chẳng câu nào nên hồn, cũng lạ thay. Về sau, đứa trẻ ấy vẫn làm nghề nông.

Một vị Thầy khá nhát gan, có đứa học trò lanh lợi lại nghịch ngợm. Nó dán giấy làm thành đầu người khổng lồ, ban đêm đem giơ lên ở ngoài tường. Thầy kinh hoảng, tông cửa chạy, đến ở nhờ nhà bạn bè.

Bệnh ba ngày mới dậy được, rốt cuộc chẳng dám đến dạy nữa. Về sau, đứa học trò ấy lại nấp ở ngoài tường, trông thấy đầu người khổng lồ, ngỡ là cái đầu do mình đã dán, liền nhìn nó. Thấy nó liếc mắt, vểnh râu, đứa học trò kinh hoảng, ngã lăn ra chết.

Đạo thờ Thầy hãy nên như con em phụng sự cha anh. Đi thì theo sau, ngồi thì ở bên cạnh. Đi đường gặp Thầy bèn đứng thẳng, chắp tay.

Khi Thầy nói năng bèn trống lòng, lắng tai nghe. Khi Thầy gặp tai họa hay có chuyện lo buồn, thì cảm thấy giống như là chuyện cát hung họa phước của chính mình. Thầy còn sống bèn giữ lễ tiết cẩn thận. Thầy đã mất, ắt tâm tang ba năm. Như thế thì gần như đã trọn hết đạo Thầy trò vậy.

Ông Vương X… dạy vỡ lòng cho trẻ, ắt trọn hết tâm lực, chẳng màng công sá.

Thường nói:

Trời, đất, Vua, Cha Mẹ, Thầy, năm ngôi ấy xếp ngang nhau. Trẻ nhỏ một phen tôn ta làm Thầy, ắt sự thành bại vinh nhục suốt cả một đời nó đều là trách nhiệm của ta. Nếu chẳng tận tâm kiệt lực, khiến cho con em người khác bị lỡ làng, sẽ có tội giống như gã Thầy thuốc dốt giết người. Ông lại thích kể cho trẻ nghe những câu chuyện Hiếu Đễ.

Ông nói:

Người đi học thì trước hết là học tâm thuật, rồi mới học văn chương, nghề khéo. Trước hết phải vun quén căn bản rồi mới thực hiện lòng nhân. Nếu Hiếu Đễ thiếu sót, dẫu tài hoa lừng lẫy cõi đời, chẳng đáng coi trọng.

Về già, ông sanh ra Văn Khang Công, mọi người bảo đó là quả báo của sự khéo dạy học trò. Gần đây, đạo Thầy trò suy bại, thật đáng đau đớn khóc ròng, than dài sườn sượt. Kẻ làm Thầy chẳng nghĩ tránh sao cho khỏi dạy dỗ lầm lạc con em của người ta, chắc chắn sẽ bị Thần Minh khiển trách.

Xưa có một Nho Sĩ, tuổi đã ngoài sáu mươi, bảo vợ:

Ta tuy chẳng có công danh hiển đạt. May là suốt đời gặp chỗ dạy học tốt đẹp, nên có thể thành gia lập nghiệp.

Ban đêm, ông ta mộng thấy cha mình quở mắng:

Ngươi đúng ra là kẻ đỗ đạt.

Chỉ vì lúc dạy học thiếu trách nhiệm, cho nên đức Văn Xương gạt tên khỏi sổ quế, thế mà còn khoác lác ư?

Ôi! Xét theo đó, khiến cho con em người khác lầm lỡ cũng nguy hiểm lắm thay. Sự ở đây là kẻ dưới phụng sự người trên, như cấp dưới phụng sự quan trên, bộ hạ, lính tráng tuân theo tướng, soái, nô bộc, tỳ thiếp vâng theo chủ nhân, đều là sự cả.

Bạn, phản bội, phản loạn chẳng phải là trái nghịch hiển nhiên, nhưng lúc người trên gặp cảnh cấp bách, kẻ dưới bèn chẳng phải là kẻ trông cậy được, hoặc kẻ dưới chẳng bận tâm đến điều lợi lẽ hại của người trên thì gọi là bạn vậy!

Thời Tam Quốc, Lữ Bố theo phò Đinh Nguyên, Đinh Nguyên đối đãi Lữ Bố rất thân thiết, rồi vì Đổng Trác mà Lữ Bố giết Đinh Nguyên. Đã theo phò Đổng Trác, thề làm cha con, lại vì Vương Doãn hứa gả Điêu Thuyền cho mà giết Đổng Trác. Về sau, Lữ Bố bị quân Tào bắt được.

Tào Tháo muốn tha cho Lữ Bố sống để dùng làm thuộc hạ, Lưu Bị nói:

Minh công chẳng thấy Lữ Bố phụng sự Đinh Nguyên, Đổng Trác ư?

Tào Tháo tỉnh ngộ, bèn sai người thắt cổ Lữ Bố cho chết. Dương Trung ở huyện Tứ Minh là nô bộc của Đới Hiến. Họ Đới rất giàu, sai Dương Trung làm chủ một gia trang, nguồn lợi từ cá, muối, tre, gỗ rất phong phú. Đới Hiến chết, con là Bá Giản còn trẻ, thích lêu lổng với lũ trẻ tuổi bất lương.

Được mấy năm, tiêu sạch gia sản, chỉ còn sót lại một trang trại ấy. Bá Giản đến nương cậy. Dương Trung ghi chép con số tài sản đưa cho xem. Bá Giản vui mừng, vẫn tiêu xài bừa bãi như cũ. Dương Trung khóc lóc can ngăn, Bá Giản chẳng nghe. Một hôm, lũ bạn lêu lổng ấy lại kéo đến, xúm nhau nhậu nhẹt, cờ bạc.

Dương Trung cầm đao bén tiến vào, thộp cổ thằng cầm đầu, nhiều lượt bảo:

Tao phụng sự chủ nhân hơn ba mươi năm. Thiếu gia còn trẻ, bị chúng mày dụ dỗ làm chuyện bất thiện, gia sản tan sạch. May là tao còn giữ được sản nghiệp này.

Mày cứ muốn phá sạch ư?

Tao chém rụng đầu mày rồi lên quan đầu thú xin được chết để báo đáp chủ nhân dưới lòng đất. Thằng đó nhận tội, xin hứa từ nay chẳng dám đến nữa. Dương Trung cho nó một ít tiền, đuổi đi.

Dương Trung khóc lóc, tạ tội:

Lão nô kinh động, xúc phạm thiếu gia, nguyện từ nay Ngài hãy sửa đổi những hành vi trước kia. Chỉ mong nghe theo lời lão nô tận tâm dốc sức, chẳng đầy hai, ba năm, cơ nghiệp cũ sẽ có thể khôi phục.

Nếu không, lão nô sẽ dìm mình xuống biển, chẳng đành lòng thấy thiếu gia chết đói, để nhục cho môn hộ. Bá Giản hổ thẹn, khóc lóc, vâng theo. Mấy năm sau, quả nhiên khôi phục trọn vẹn ruộng nương, nhà cửa. Về sau, Dương Trung hưởng thượng thọ.

Từng nghe nói ở Ngô Quận có ông Trầm Hằng Cát nuôi một con chó. Về sau, Hằng Cát bị bệnh, chó bèn chẳng ăn. Tới khi ông chết, con chó tru ầm lên suốt đêm mới thôi. Qua năm sau, đưa ma, chó bèn va đầu vào sườn mộ chết.

Con chó có nghĩa thay. Những kẻ gặp chuyện liên quan đến sống chết bèn biến đổi khí tiết, thay đổi tấm lòng, đúng là chẳng bằng con chó có nghĩa vậy.

Chánh văn:

Cuống chư vô thức, báng chư đồng học.

Chánh văn:

Lừa dối kẻ chẳng hiểu biết, gièm báng bạn học. Đối với kẻ chẳng hiểu biết, đúng là phải nên thuận theo từng sự mà chỉ bảo cho họ, dùng nghĩa lý nhắc nhở, dùng điều thiện lẽ ác khiến cho họ động tâm, khiến cho họ giác ngộ, chẳng đọa trong mê hoặc.

Há có nên vì họ dễ bị khinh rẻ mà dối gạt họ ư?

Kinh Lăng Nghiêm dạy:

Huyễn hoặc vô thức, nghi ngộ chúng sanh, tử hậu đương đọa nhập Vô Gián Địa Ngục Kẻ lừa bịp người không hiểu biết, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, lầm lạc, sau khi chết sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián.

Ôi! Sao người ta lại khổ sở làm chuyện như thế?

Ông Lưu Hợp Phong nói:

Có ba người cùng đi, tới một khe suối. Nhằm đúng lúc nước suối dâng cao, mà thuyền ở bờ đối diện. Trong đó, có một người rất ngu, hai người kia bèn dụ người ấy cởi quần áo bơi qua lấy thuyền. Người ấy ngụp lặn trong nước xiết, vượt qua được bờ kia. Lại chống thuyền quay về chở hai người kia. Hai người kia lên thuyền. Kẻ ngu bỗng đau bụng muốn đi tiêu, vội lên bờ.

Hai người kia vẫy tay bảo:

Mặt Trời đã lặn rồi, không thể chờ ngươi được. Bèn chống thuyền đi. Chốc lát, do nước chảy xiết, thuyền xoay ngang, họ đều bị lật thuyền, chết chìm. Người ngu ở trên bờ thì yên ổn.

Đời Đường, Khương Phủ mặc áo, đội mũ Đạo Sĩ lên kinh đô. Do không có ai biết, bèn dối gạt nói mình đã mấy trăm tuổi, có thuật trường sanh độ đời. Hắn phụng sự Đường Huyền Tông, được Vua ân sủng, nổi tiếng một thời.

Về sau, có một sinh viên trường Thái Học là Kinh Nham đến gặp, hỏi:

Tiên Sinh rốt cuộc là người thuộc Triều Đại nào?

Đáp: Người đời Lương.

Hỏi: Có làm quan hay không?

Đáp: Từng làm Tiết Độ Sứ của Tây Lương Châu.

Kinh Nham quát mắng:

Sao mà dối trá đến thế?

Trên lừa dối thiên tử, dưới bịp bợm người đời.

Nhà Lương ở Giang Nam, lấy đâu ra Tây Lương Châu, Nhà Lương chỉ có tứ bình, tứ an, tứ chinh, tứ trấn tướng quân, lấy đâu ra Tiết Độ Sứ?

Khương Phủ cứng họng, hết sức hổ thẹn.

Vài ngày sau Khương Phủ chết ngắc!

Bạch Sầm gặp dị nhân, được truyền toa thuốc chữa bệnh lên nhọt ở lưng rất hiệu nghiệm. Có viên dịch lại muốn truyền toa thuốc ấy để cứu tế rộng khắp, đưa cho Bạch Sầm mấy chục lạng vàng. Bạch Sầm đưa toa thuốc giả cho ông ta, trị bệnh không công hiệu. Về sau, Bạch Sầm bị cọp ăn thịt, bỏ lại toa thuốc thật sự trên đường, viên dịch lại đi qua nhặt được.

Gã Thầy bói họ Trương giỏi chiêm tinh, nhưng toàn là khéo đoán ý hướng của người đến xem bói, luận đoán phần nhiều không đúng. Hoặc là thường nghe theo lời dặn ngầm của kẻ khác, thốt lời điên đảo. Do khiến cho người ta bị lầm lỡ đại sự, về sau, họ tức giận Cắt Lưỡi hắn, hắn chết ngắc.

Nguy Chỉnh có lần ra chợ mua cá. Chủ nhân ngầm điều chỉnh cân để cho Ngụy Chỉnh được lợi.

Người đánh cá đi rồi, chủ nhân nói:

Ông chỉ mua năm cân, tôi đã ngầm điều chỉnh cân cho ông được nhiều hơn, xin hãy mời tôi uống rượu. Nguy Chỉnh hết sức kinh hãi, đuổi theo người dân chài đền bù đúng giá trị.

Lại mời chủ nhân uống rượu nói:

Ông chỉ muốn có rượu thôi, sao lại lừa gạt người nghèo để làm gì?

Than ôi!

Người đời nay nếu tấm lòng có thể như ông Nguy, làm sao có chuyện lừa gạt kẻ không hiểu biết cho được?

Bạn đồng học tình như huynh đệ, huống hồ bạn bè là một trong các mối nhân luân, há có nên thốt lời hủy báng bừa bãi, trong bụng đầy ắp gươm giáo ư?

Đức Phật dạy:

Con người đối với bạn bè, có năm chuyện tương quan lẫn nhau.

Một là nếu đôi bên gây tạo ác nghiệp, hãy nên khuyên bảo lẫn nhau ngưng dứt ác nghiệp.

Hai là nếu đôi bên mắc bệnh khó trị, hãy nên chăm sóc, điều trị lẫn nhau.

Ba là đôi bên có những điều chỉ nên nói riêng trong nhà, chớ nên nói với người ngoài.

Bốn là hãy nên tôn kính, tán thán lẫn nhau, không ngừng lui tới với nhau, chớ nên ghi oán.

Năm là nghèo giàu khác nhau, hãy nên giúp đỡ, đừng nên phỉ báng lẫn nhau.

Nếu hỏi:

Sau khi chơi với bạn, biết bạn chẳng lành, muốn đoạn tuyệt, lại sợ thương tổn tình cảm.

Chẳng nghỉ chơi thì lại là ẩn giấu lòng oán hận mà kết giao?

Châu Tử nói:

Đấy chẳng phải là ẩn giấu lòng oán. Nếu trong tâm ôm nỗi hờn oán mà bề ngoài làm ra vẻ thân thiết, đó là ẩn giấu lòng oán. Nếu bạn bè chẳng tốt, xét theo tình nghĩa đáng nên chẳng thân thiết, nhưng để lợt lạt tình nghĩa thì phải nên từ từ nhạt dần.

Nếu chẳng có chuyện gì hệ trọng, cần gì phải cắt phăng tình bạn?

Hãy nên tích chứa lòng thành, khiến họ cảm ngộ. Đó gọi là Đối đãi với người thân chẳng đánh mất tình thân, đối với bạn bè đã lâu chẳng đánh mất tình cố cựu.

Đời Minh, Tiên Sinh Dương Minh Vương Thủ Nhân nói:

Giao du bạn bè chánh yếu là khiêm tốn, nhún mình. Khi tụ hội, cần nên trống lòng, khiêm nhường, thân thiết, tôn kính, bao dung. Nói chung là ít uốn nắn, chỉ trích, mà là dùng sự Chân Thành để cảm động, khích lệ, khuyến khích cho nhiều.

Ông Ôn Tiết Hiếu nói:

Chơi với bạn, chỉ quan tâm đến ưu điểm của họ, chẳng màng khuyết điểm. Gặp người tánh tình cứng cỏi, hãy chịu đựng sự nóng nảy của họ. Gặp người rất tài hoa, hãy chịu đựng thói quen không câu thúc của họ.

Gặp người chất phác, trung hậu, hãy chịu đựng tính khí chậm chạp của họ. Gặp người khinh bạc phóng túng, hãy chịu đựng tính hời hợt, bộp chộp của họ. Không chỉ là được lợi ích vô lượng mà còn trọn vẹn tình bạn bè.

Đời Tống, Trương Thiên Tải, hiệu là Nhất Ngạc, làm bạn với Văn Sơn. Khi Văn Sơn quý hiển, Thiên Tải đã nhiều lần tránh né, không gặp gỡ. Tới khi Văn Sơn chiến bại, bị giải về Cát Châu.

Thiên Tải ngầm đến gặp, nói:

Thừa Tướng!

Nếu Ngài bị đưa về đất Yên Bắc Kinh, Thiên Tải cũng đi theo. Sau đó, khi Văn Sơn bị giải về phương Bắc, Thiên Tải cũng đến ở gần bên chỗ Văn Sơn bị cầm tù, suốt ba năm châu cấp Văn Sơn chẳng thiếu sót.

Ngày Văn Sơn bị hành quyết, Thiên Tải ngầm giấu đầu Văn Sơn trong tráp gỗ, dò tìm vợ Văn Sơn là bà Âu Dương trong đám tù nhân, liền thiêu xác, thu nhặt hài cốt để trong đãy, ôm tráp đi về phương Nam, giao cho gia đình của Văn Sơn an táng.

Trước đó một hôm, con Văn Sơn mộng thấy cha nói:

Bác của con đã về tới rồi. Chẳng lâu sau, quả nhiên Trương Thiên Tải tới nơi. Người đời sau gọi tình bạn sống chết là Thiên Tải Nhất Ngạc, đúng vậy thay.

Trầm Trọng Hóa nói:

Thiếu sót tình bạn với người đã khuất còn tệ hơn thiếu sót tình bạn với người còn sống.

Nay kẻ làm bạn với nhau, hãy tự hỏi có thể chẳng thay đổi tấm lòng trong cảnh sanh tử hay chăng?

Đời Tống, Quách Chí lúc mới nổi tiếng về tài viết những bài phú, bạn học là Lý Miễn đố kỵ bèn gièm báng. Do vậy, Lý Miễn thi mãi không đậu.

Về sau, Quách Chí đã đỗ đạt trước, lại làm Tri Cống Cử, Lý Miễn mới nhờ khoa thi Minh Kinh mà được có tên để dự thi Tiến Sĩ.

Ngày ban chiếu công bố quan chánh chủ khảo là Quách Chí, Lý Miễn hổ thẹn bỏ về. Quách Chí nghe tin, lập tức sai người đem Lý Miễn trở lại, do vậy Lý Miễn bèn thi đỗ. Có thể thấy là gièm báng chẳng tổn hại người khác, chỉ tự mình chuốc lấy nỗi khắc bạc vậy.

Chánh văn:

Hư vu trá ngụy, công can tông thân.

Chánh văn:

Đặt điều vu cáo hư vọng, xảo trá, dối gạt, công kích thân thuộc. Khinh mạn vô căn cứ thì là Hư. Xằng bậy đặt chuyện nói xấu, miệt thị là Vu. Dùng quỷ kế gạt gẫm người khác là Trá. Dùng những cách thức dối đời trái lẽ thì gọi là Ngụy. Nói tách ra thì là bốn điều, nói gộp lại sẽ là chẳng Chân Thành. Thành là đạo của Trời, suy nghĩ Chân Thành là đạo của người.

Nay bỏ lòng thành, noi theo hư vu trá ngụy, chẳng phải là trái nghịch đạo Trời, đánh mất đạo người hay sao?

Cái tâm ấy quá nhọc nhằn, chuyện ấy quá nguy hiểm, chính là tướng trạng bạc phước nhất trong thiên hạ.

Chẳng vào tam ác đạo thì sẽ đi về đâu?

Đời Thanh, Tôn Đình Thuyên ở Ích Đô là người chất phác, chẳng phù phiếm. Vì thế, Thanh Thế Tổ Vua Thuận Trị từng gọi ông ta là Tôn Lão Thật ông Tôn thật thà.

Mỗi khi chức vị Thượng Thư ở các bộ bị khuyết, Vua liền bảo:

Vẫn là dùng Tôn Lão Thật điền vào đó. Do ba lần gọi Tôn Lão Thật như thế, ông được phong làm Tể Tướng.

Thật thà có bao giờ khiến cho người ta bị lầm lỡ đâu nhỉ?

Tiết Phu chuyên bịa chuyện để làm đơn thưa kiện, có thể tô vẽ chuyện vô lý thành hữu lý. Hắn dùng chuyện này để làm giàu. Về  sau, hắn làm trai đàn để tạ tội.

Đạo Sĩ phủ phục, sau đó đứng dậy nói:

Thượng Đế đã phê vào tờ biểu tấu trình xin tha tội của ngươi như sau:

Nhà thì phó cho hỏa ty, người thì giao cho thủy ty. Về sau, quả nhiên nhà hắn cháy sạch, Tiết Phu ngã xuống nước chết đuối.

Thời Ngũ Đại, người xứ Mân là Tiết Văn Kiệt có hiềm khích với Ngô Anh. Một hôm, chúa nước Mân là Vương Lân Vương Diên Quân sai đồng cốt nhìn xem trong cung có quỷ hay không.

Trước đó, Văn Kiệt đã nói với Ngô Anh:

Chúa thượng ngờ ông quyền cao chức trọng, ông hãy nên cáo bệnh. Nếu Vua sai sứ giả đến hỏi, hãy nên thưa là bị đau đầu. Tôi có thể nói giúp cho ông. Ngô Anh vâng theo.

Văn Kiệt dặn gã đồng cốt nói:

Ngô Anh sắp làm phản, bị Thượng Đế lấy đinh bằng đồng đóng vào não. Vua sai người đến nhà Ngô Anh dò xét, quả nhiên, Ngô Anh thưa là bị đau đầu. Vua liền giết Ngô Anh.

Ngô Anh bị vu cáo, dân chúng đều nghiến răng. Khéo sao, Vương Lân phát binh chống lại nước Ngô, quân sĩ không chịu tiến, đòi cầm tù Tiết Văn Kiệt mới chịu tiến. Vương Lân bất đắc dĩ, cùm hắn lại, đưa vào trong quân. Quân sĩ xúm lại xả thịt hắn hết sạch.

Đời Tống, Triệu Đình Thần giả vờ lập thỏa ước với người Động Nhung, dụ họ đầu hàng Triều Đình, đãi họ ăn uống no say rồi giết sạch, rêu rao họ làm phản, dối trá tâu đó là công lao dẹp loạn của chính mình. Họ Triệu bèn được thăng thưởng hiển hách.

Về sau, hắn mộng thấy những người đã bị giết nói:

Sẽ đến báo thù sự dối trá của mày. Về sau, hắn sanh được một đứa con trai. Nó còn trẻ mà đã đỗ đạt, bỗng dưng cuồng nghịch, phạm pháp, liên lụy đến Triệu Đình Thần và vợ bị đày ra vùng Lãnh Nam, bị người Động Nhung giết chết.

Đời Tống, Đinh Vị chẳng nói lời chân thật với người khác, từng bảo:

Nếu ai thật tâm sẽ chẳng làm nổi mọi việc, chỉ luôn bị kẻ khác khinh lấn.

Đinh Vị giữ lòng trí trá như thế, khiến cho người khác chẳng thể dò lường được, bèn bị người đương thời xếp vào Ngũ Quỷ, há có phải là do cái tâm trá ngụy mà không chuyện gì chẳng làm đó ư?

Cùng họ là Tông, khác họ là Thân. Tuy có xa, gần, thân, sơ khác nhau, thật sự đều là những người có mối quan hệ thân thiết với ta, hãy nên đối đãi bằng lòng thân ái, trung thành. Cùng chia sẻ hoạn nạn, giúp đỡ người khốn cùng.

Giấu giếm những điều xấu trong nhà cho nhau, cùng ngăn ngừa sự lấn hiếp từ bên ngoài, há nên tranh chấp lẫn nhau, so đo từng ly từng tý một, giận dữ, ghen ghét, chiếm đoạt, xét nét, công kích hay chăng?

Lặt cành làm đau lòng cây, chặt đứt rễ khiến cho mạng mạch của nó chấm dứt, hãy nên răn dè!

Đời Xuân Thu, Yến Bình Trọng đi xe rách nát, cỡi ngựa gầy. Hoàn Tử cho rằng ông ta cố tình ẩn giấu sự ban thưởng của Vua.

Yến Tử Yến Bình Trọng nói:

Kể từ khi thần được hiển quý, họ bên cha không ai chẳng ngồi xe. Họ bên mẹ không ai chẳng cơm áo no đủ. Họ bên vợ không ai đói lạnh. Học trò nước Tề nhờ thần mà có cái để thổi lửa nấu cơm hơn ba trăm người.

Như thế là ẩn giấu sự ban thưởng của quân vương, hay là phô bày ân Vua ban thưởng vậy?

Trước là họ bên cha, rồi đến họ bên mẹ, sau là họ bên vợ, cuối cùng là đến những người xa lạ. Đó gọi là giúp đỡ từ người thân thiết cho đến người xa lạ vậy. Có thể nói Yến Tử khéo đối xử hòa mục với họ hàng.

Người có tấm lòng ấy, há có thói tệ công kích thân thích ư?

Vì thế, nêu ra chuyện này nhằm khuyên nhủ những kẻ phạm lỗi công kích, mà ác báo của kẻ công kích cố nhiên cũng chẳng cần phải nêu ra nữa.

Chánh văn:

Cang cường bất nhân, ngận lệ tự dụng.

Chánh văn:

Ương bướng bất nhân, độc ác, tàn nhẫn, tự cho là đúng. Khổng Tử chủ trương cương nghị là chú trọng nơi lý. Thái Thượng răn nhắc về cang cường cứng cỏi, ương ngạnh là nói đến sự dẫn khởi từ tánh khí. Các Thầy thuốc gọi chứng tê bại là bất nhân với  ý nghĩa chẳng biết đau, ngứa.

thế, kẻ ưa ương bướng, hành sự thuận theo tình cảm xung động khi đãi người tiếp vật, sẽ chẳng chút thông cảm nào, thuần là ý niệm cạn tàu ráo máng, thế tục gọi tánh khí như vậy là tấm lòng sắt đá, làm sao có thể nhân từ cho được?

Nhưng kẻ ương ngạnh chẳng có kẻ nào không bị chiết phục. Nếu họ đã nếm trải mấy phen thua thiệt to lớn, sẽ dần dần hóa thành mềm mỏng. Đấy là chuyện muôn phần may mắn của kẻ ương ngạnh vậy, tôi hằng ngày đều mong mỏi.

Đời Tống, Bao Chửng làm Long Đồ Các Học Sĩ, có tên thụy là Hiếu Túc. Ông tánh tình cương trực, bất khuất. Thuộc hạ có điều bẩm cáo, ông thường phê bình ngay mặt nếu nói những điều chẳng hợp lý.

Nếu lời họ thưa trình đúng lý, cũng chưa hề không vui mừng, thay đổi theo ý kiến đề xuất. Do vậy, mọi người đều kính phục. Phàm cứng cỏi mà hợp lý, gặp chuyện bèn có thể phán đoán rõ ràng, chánh xác, đấy là dũng khí của bậc có lòng nhân vậy.

Đời Tống, Trương Nhữ Khánh làm Đề Hình. Mỗi khi thẩm vấn tù phạm, bất luận phạm tội nặng hay nhẹ, đều sử dụng toàn bộ các dụng cụ hành hình, gọi là Đả nhất sáođánh trọn một bộ.

Những kẻ bị ông ra tra khảo đều gọi Trương Nhữ Khánh là Diêm La thôi đáo kẻ đẩy người khác đến chỗ Vua Diêm La. Về sau, hết nhiệm kỳ, Nhữ Khánh quay về, thuyền đi đến Cao Bưu, đêm nằm mộng thấy mấy trăm người toác đầu, gãy chân, vây quanh đòi mạng.

Về đến nhà, giữa ban ngày mà thấy lệ quỷ, thất khiếu tuôn máu mà chết. Phàm là kẻ ngang ngược, hung bạo, sẽ chẳng được chết yên lành, cố nhiên chẳng cần phải nói nữa.

Nhưng sau khi đã chết, còn phải thọ báo trong Tam Đồ, cho đến khi nào mới được thoát khỏi?

Cứ từ câu chuyện này mà suy, hết thảy những kẻ cứng rắn đến nỗi gần như hung bạo, do quen thói cường bạo mà gần như là kẻ giặc, cũng đáng nên phản tỉnh. Phàm là người làm việc, tham khảo ý kiến của người khác thì là trí, tự cho mình là đúng thì ngu. Tự cho mình là đúng còn chẳng nên, huống hồ hung hãn, tàn nhẫn.

Đức Phật nói hung hãn, tàn nhẫn giống như ngựa ác, đáng gọi là khó thuần phục. Con người hung hãn, tàn nhẫn, đối với hết thảy mọi sự, mọi việc đều chấp chặt ý kiến của chính mình, tự cho là đúng, chẳng chịu phục kẻ khác.

Bạn lành, tri thức ai đến thân cận?

Lời lành, lý hay, lấy ai bảo ban?

Đấy là cội nguồn tạo ác, chuốc hận, không chi hơn chuyện này. Đời Tống, Vương An Thạch hẹp hòi, đố kỵ, giả vờ hiền thiện, giấu ác, kéo bè kết đảng để trừ khử những kẻ khác ý, cưỡng từ đoạt lý, tự cho mình là người có phẩm đức tốt đẹp như Cao, Quỳ, Tắc, Khế.

Thật ra, hắn ta là nhân tài khiến cho chánh sự bại hoại, là kẻ mang tấm lòng phá hoại học thuật. Trong tác phẩm Tam Kinh Tân Nghĩa và Tự Thuyết của hắn, những chỗ hủy báng, vu vạ, miệt thị Thánh Nhân, phá nát đại đạo, không chỉ là một điều.

Kinh Xuân Thu phân định chánh đáng danh phận Vua tôi, cha con…, đặt định tiêu chuẩn khen chê đánh giá các nhân vật lịch sử, khiến cho bọn loạn thần, tặc tử kinh sợ. Vương An Thạch khiến cho người học chẳng nghiên cứu kinh Xuân Thu.

Sử Ký và Hán Thư chép những chuyện thành, bại, an nguy, sanh tử, tồn vong, bình trị, loạn lạc, chính là những tấm gương soi, là khuôn phép cho cõi đời. Vương An Thạch khiến cho người học chẳng đọc Sử Ký, Hán Thư.

Đối với chuyện Dương Hùng không kết tội Vương Mãng soán đoạt, phê phán kịch liệt nhà Tần, ca tụng nhà Tân, Vương An Thạch bèn viết:

Phù hợp với cách nói Vô khả, vô bất khả của Khổng Tử.

Đối với chuyện Phùng Đạo thờ bốn họ, tám Vua, Vương An Thạch bèn viết:

Khéo tránh nạn để bảo toàn cái thân, khiến cho hàng công khanh đều vâng theo lời ấy, chẳng có khí tiết, trung nghĩa. Thoạt đầu, An Thạch đối xử hòa hảo với các Bậc Hiền thần. Do tranh chấp về Tân pháp chẳng hợp ý, hắn đều bài xích, lưu đày họ.

Con trai của hắn là Bàng còn nói:

Chặt đầu Hàn Kỳ, Phú Bật ngoài chợ, tân pháp mới thực hành được. Như vậy thì có thể biết Vương An Thạch là hạng người như thế nào.

Về sau, do người công kích tân pháp quá đông, hắn càng thêm ngạo mạn, hung hãn, phóng túng, hoang đường, bảo:

Điềm Trời biến đổi chẳng đáng sợ, lời người khác phê phán chẳng đáng quan tâm, pháp tắc của Tổ Tiên chẳng đáng tuân thủ. Tội nặng nề, điều ác ngập tràn. Con trai duy nhất của Vương An Thạch là Bàng lưng mọc nhọt độc, chết yểu.

Hắn đau thương khôn cầm, nhiều lần lấy cớ bệnh tật xin từ chức. Về sau, Tống Thần Tông chán ghét, bãi chức hắn ta. Trên là không được Vua sủng ái, dưới là buồn bã vì tuyệt tự, giữa là bị người đời ghét bỏ.

Những Bậc Hiền năng bị hắn bài xích, xua đuổi trước kia, nối tiếp nhau nắm quyền, phế sạch tân pháp của hắn. Vương An Thạch hổ thẹn, sợ hãi mà chết.

Chánh văn:

Thị phi bất đáng, hướng bối quai nghi.

Chánh văn:

Chẳng phân biệt đúng sai, hành xử không thích đáng. Bậc Quân Tử khiến cho căn cội nhân nghĩa tăng trưởng phong phú, củng cố phòng vệ lễ nghĩa, sẽ có công năng thẩm định tốt, xấu, phân định thích đáng đúng, sai.

Đối với mỗi người, đúng sai có liên quan đến điều thiện, lẽ ác của chính người đó. Đối với một làng, đúng sai sẽ có liên quan đến điều lợi, lẽ hại của làng ấy. Đối với thiên hạ, đúng sai liên quan đến sự an nguy trong thiên hạ.

Há có thể chẳng thận trọng, khinh suất hành xử chẳng thích đáng, coi sai là đúng, coi đúng là sai ư?

Đời Tống, Doãn Sư Lỗ giữ mình, dạy người, khẳng định đúng sai chánh xác, chẳng có gì phải giấu giếm, chẳng làm chuyện cẩu thả, chỉ chú trọng hết sức phù hợp đạo lý.

Khi lâm chung, ông viết thư từ biệt Phạm Văn Chánh Công Phạm Trọng Yêm. Văn Chánh bươn bả tới nơi, ông đã tắm rửa, đội mão, thắt đai, ngồi ngay ngắn qua đời. Văn Chánh Công đau đớn, khóc lóc.

Ông lại mở mắt, bảo:

Đã từ biệt ông rồi, sao ông lại tới để làm gì?

Sống chết là lẽ thường hằng, sao Hy Văn chẳng hiểu vậy?

Nói xong, lại chắp tay từ biệt, qua đời. Thuở ấy, đạo đức, học vấn của ông Doãn được người đương thời học theo.

Nếu chẳng thấu hiểu cùng tận tinh vi thì trong lúc tử sanh, những chuyện dấy lên quấy nhiễu ta sẽ nhiều lắm. Nói Nhập đạo vận dụng cả tri lẫn hành, nhưng tri càng quan trọng hơn chính là nói đến lẽ này.

Đời Tống, Thái Kinh làm Tể Tướng trong các niên hiệu Nguyên Hựu và cuối niên hiệu Nguyên Phù, đã cáo buộc Tể Tướng Tư Mã Quang, thị thần như Tô Thức v.v… quan văn như Trình Di v.v… quan võ như Vương Hiến Khả v.v… tổng cộng một trăm hai mươi người là gian đảng, xin Hoàng Đế hạ chiếu, khắc tên họ lên đá ở cửa Đoan Lễ và các châu huyện để công bố tội trạng.

Dân chúng đều bất bình. Không lâu sau, bia đá bị sấm sét đánh nát. Thái Kinh cũng do có chuyện phạm tội mà bị lưu đày rồi chết.

Hướng là hãy nên hướng đến, thuận theo, có nghĩa là phải thuận theo, hướng đến những cái được gọi là Hảo nhân, hảo sự. Bối là hãy nên trái nghịch, chống lại những thứ được gọi là tà nhân, tà sự. Hướng theo tà, trái nghịch chánh thì gọi là Quai nghi chẳng hợp lẽ, chẳng thích đáng.

Sơ sót nhất thời, suốt đời thân bại danh liệt, há có thể chẳng cẩn trọng ư?

Đời Đường, Tống Thân Tích làm tể tướng dưới triều Vua Đường Văn Tông. Do thấy Trịnh Chú quá chuyên quyền, Thân Tích muốn trừ bỏ, bèn cậy người bạn là Vương Phan đang làm quan Kinh Triệu Lệnh quan trông coi kinh thành, giống như đô trưởng hiện thời ngầm theo dõi xem Trịnh Chú có làm chuyện chẳng đúng pháp tắc hay không. Vương Phan do Trịnh Chú cất nhắcđược phú quý, bèn cáo giác âm mưu ấy với hắn.

Trịnh Chú sợ hãi, vu cáo ngược lại Tống Thân Tích hành vi sai trái, ép Vua đày Thân Tích đi làm Tư Mã ở Khai Châu nay là Khai Huyện, tỉnh Tứ Xuyên. Thân Tích ôm niềm phẫn hận chết. Về sau, Tống phu nhân mộng thấy Tống Thân Tích dẫn tới một cái hố ở ngoài thành. Trong hố có mấy người tử tù.

Thân Tích chỉ một gã bảo vợ:

Đấy là Vương Phan, ta đã thỉnh cầu Thượng Đế trừng phạt hắn. Nhân đấy, phẫn nộ quát tháo. Phu nhân kinh hãi, tỉnh giấc, thầm ghi nhớ chuyện ấy. Không lâu sau, Lý Huấn và Trịnh Chú mưu giết hoạn quan, xin Vua sai bọn hoạn quan đến doanh trại Kim Ngô để xem cam lộ.

Trước đó, Lý Huấn và Trịnh Chú đã sai mấy người như Vương Phan v.v… dẫn quân đến đó phục sẵn để giết bọn hoạn quan. Vương Phan run lẩy bẩy chẳng dám tiến. Rốt cuộc âm mưu thất bại, hắn bị chém ngang lưng ngoài chợ. Có mấy người đều cùng bị chém, chôn ngoài thành.

Đời Tống, Trung Túc Lưu Chí từng luận định mười điều tai hại của phép trợ dịch. Vương An Thạch trách ông Lưu là kẻ hành xử không thích đáng, giáng ông xuống trông coi Tư Nông Tự. Vua xuống chiếu, ra lệnh cho ông phân tích nguyên nhân vì sao phản đối.

Ông thưa:

Thần hướng theo lẽ trung trực, phản đối tà nịnh. Hướng theo đạo nghĩa, phản đối chỉ chú trọng lợi lộc. Hướng đến Đức Vua, phản đối kẻ quyền thần gian trá.

Mắc tội như thế, cố nhiên là thần đáng phải chịu. Nhưng phép trợ dịch rốt cuộc gây hại cho thiên hạ, xin bệ hạ đừng quên lời thần tâu trình. Ai nấy đều lo sợ cho ông, riêng ông chẳng đoái hoài. Về sau, ông làm Tể Tướng.

Ông Lỗ nói:

Hướng theo cái đáng nên hướng theo, đừng nên hướng theo lẽ riêng tư. Chống đối những cái đáng nên chống đối. Chống đối cũng phải vì lẽ công chánh.

Thoạt đầu, đừng tính toán họa phước cho cá nhân, mà họa phước thuận theo. Chuyện này cũng nhằm cảnh tỉnh những kẻ không làm như ông Lưu mà cam tâm làm Vương Phan vậy.

Chánh văn:

Ngược hạ thủ công, siểm thượng hy chỉ.

Chánh văn:

Ngược đãi kẻ dưới để lập công, nịnh bợ kẻ trên để đón ý cầu lợi. Đuốc vào ban đêm sẽ có công dụng trừ diệt tối tăm. Thuyền gặp nước, ắt có công dụng chở vật. Đại để, nước chảy thành sông ngòi, công năng sẽ tự thành tựu. Vì thế, chẳng cần phải chiếm lấy.

Nếu cố ý tranh giành hòng lập công, ắt kẻ làm tướng sẽ dung túng cho quân lính cướp bóc, giết chóc, kẻ làm nha lại sẽ xằng bậy tăng thêm thuế khóa, lao dịch, kẻ làm quan trông coi hình pháp sẽ ghép thêm nhiều tội cho người khác, sẽ đều chẳng đoái hoài, thương tiếc, mặc sức mà làm. Nhưng những hành vi như thế ấy đều là lấy máu mỡ của dân chúng để đổi lấy công danh cho một người.

Có được công trạng, chẳng qua là thăng quan, họa cũng xảy tới, há chỉ là sát thân?

Người tuy cực ngu, chắc chắn chẳng đến nỗi ấy.

Chẳng nhìn vào những tấm gương của Cổ Nhân đó ư?

Đời Tống, Tào Bân hạ thành trì của nhà Nam Đường ở Giang Nam, chẳng tàn sát một ai. Đời Hán, Cấp Ảm giả chiếu chỉ để mở kho thóc cứu đói, cứu sống mấy vạn người. Đời Hán, Vu Định Quốc làm Đình Úy, dân chúng chẳng bị phán xử oan uổng.

Trong thuở ấy, có vị nào chẳng phải là công thần bậc nhất?

Thời Đường Huyền Tông, chi tiêu ngày càng xa xỉ. Vua lại không muốn lấy tiền từ công khố để cung ứng. Viên Ngoại Lang của bộ Hộ là Vương Hồng biết ý Vua, bèn đục khoét dân chúng, tăng thêm những món tiền bạc ngoài hạn ngạch tuế cống lên đến trăm ức vạn, đều chứa trong nội khố để cung ứng cho chi dụng của Hoàng Đế.

Vua tưởng hắn có tài năng làm giàu cho đất nước, bèn phong cho hắn làm Thái Phỏng Sứ ở Kinh Đô. Không lâu sau, lại phong cho hắn làm Hộ Bộ Thị Lang kiêm Kinh Triệu Doãn, nhưng trong ngoài đều kêu ca, oán thán. Chẳng bao lâu, do bị liên lụy bởi em trai là Vương Đạc phạm tội, hắn được ban tội chết.

Đời Tống, Vương Thiều đề nghị khai phá vùng Hy Hà, giết người quá nhiều, tích lũy công trạng làm tới chức Xu Mật Sứ. Hắn lại thường cố ý giết chết người già và trẻ thơ của dân tộc Khương đã đầu hàng để lấy thủ cấp cho bọn hương thân mạo nhận công trạng hòng nhận lãnh chức tước. Lúc về già, hắn hối hận, đem chuyện nhân quả hỏi các vị trưởng lão.

Mọi người đều nói:

Do phép Vua mà giết người, giống như thuyền đi đè chết ốc, trai, tất nhiên là vô tâm.

Chỉ có Điêu Cảnh Thuần bảo:

Chỉ sợ là chẳng dối gạt tự tâm được. Nếu đã chẳng màng đến tự tâm, ắt sẽ chẳng hỏi.

Vương Thiều càng sợ, sau lưng sanh ra nhọt độc, luôn miệng kêu gào:

Vô số kẻ bị chặt đầu, chặt chân đòi mạng. Ghẻ độc ăn sâu như cái hố lan thủng ngực, hắn bèn chết. Con trai trưởng của hắn hộc máu chết tươi, con trai út do phạm tội mà bị chặt đầu, gia môn tuyệt diệt.

Người dân huyện Chân Dương Trương Ngũ ăn trộm trâu, những người làng như Hồ Đạt v.v… bắt được, Trương Ngũ bị Hồ Đạt đánh chết.

Những tên trộm khác vu cáo Hồ Đạt cướp bóc, thưa lên huyện. Ấp lệnh quan huyện là Ngô Mạo muốn tranh công, hạch tội nhóm Hồ Đạt gồm mười hai người phạm tội cường đạo giết người.

Do bị tra khảo khốc liệt, họ phải chấp nhận lời vu cáo ấy. Trong số đó, có hai người là Châu Khuê và Trương Vận bị bệnh chết. Đã trình lên phủ, giao việc ấy cho cơ quan tư pháp.

Khi ấy, Trương Văn Quy trông coi về tư pháp tại Anh Châu, xét thấy ngôn ngữ và vẻ mặt của các tù nhân dường như chẳng phải là kẻ thật sự phạm tội. Khi đã tra hỏi rõ tình hình, lại bắt phe đảng trộm trâu ra đối chứng. Án đã được phán định. Hồ Đạt do đuổi trộm mà giết người, bị phạt đánh trượng vào lưng.

Những người khác đều bị đánh vào mông. Châu Khuê và Trương Vận được phán vô tội. Mưu kế của Ngô Mạo chẳng thành, hắn hộc máu chết ngắc. Về sau, Trương Văn Quy bỗng bị bệnh nặng, thần hồn tới một dinh thự. Trưởng quan hỏi về chuyện của Ngô Mạo, bèn thưa trình đúng sự thật.

Trưởng quan bảo:

Ta đã biết tường tận chuyện này, nay cậy khanh tới đây để làm chứng hòng kết thúc vụ án, cốt ý là thẩm tra sự thật vậy. Văn Quy trông thấy Ngô Mạo ở đằng xa, đang bị gông cùm quỳ dưới đất. Châu Khuê và Trương Vận đứng bên cạnh. Nha lại lấy ra văn thư, chỉ cho Văn Quy thấy phần cuối có ba chữ Thêm một kỷ. Ông tỉnh lại, bèn lành bệnh.

Về sau, đến lúc bảy mươi tám tuổi, lại mộng thấy Thần bảo:

Trước kia ông đã được tăng thọ mười hai năm, ông lại giảm tội một người bị chém thành tội xử giảo treo cổ, nên được thọ thêm nửa kỷ sáu năm nữa. Quả nhiên, Trương Văn Quy tám mươi ba tuổi mới mất.

Siểm là nịnh hót, Hy là tán trợ. Ý cấp trên chưa quyết, còn có thể vãn hồi, chỉ vì có kẻ đón ý xu nịnh mà cấp trên trở thành kiên quyết, chẳng thể lay chuyển.

Nay không chỉ là bầy tôi đối với Vua, mà còn là thuộc cấp đón ý bợ đỡ thủ trưởng, Thân Sĩ đón ý bợ đỡ quan phủ, nha dịch đón ý bợ đỡ trưởng quan, nô bộc, tỳ thiếp đón ý bợ đỡ gia chủ thì đều là siểm thượng hy chỉ.

Phàm những kẻ làm cấp trên, đối với mọi chuyện đều nên tuân theo lý, hãy cẩn trọng, chớ nên tham cầu lợi lộc riêng tư, khiến cho kẻ khác có kẽ hở để luồn lách.

Kẻ làm cấp dưới, há có nên mong cầu công danh chẳng đúng lý, mong mỏi sẽ may mắn hưởng tiền tài bất nghĩa!

Hãy nên biết a dua, xúi giục cấp trên, uốn mình luồn cúi, chỉ tổ đánh mất bản tâm, kết oán nghiệp vô cùng!

Trong niên hiệu Tuyên Đức Nhà Minh, Minh Tuyên Tông đã từng sai Thái Giám Vương Tam Bảo xuống các nước phiên thuộc ở vùng Tây Dương tìm kiếm các thứ báu vật lạ lùng. Trong niên hiệu Thiên Thuận, có kẻ tâu xin Hoàng Đế lại sai người xuống các nước Tây Dương.

Triều Đình sai Binh Bộ tra cứu các tài liệu cũ về những chuyến sứ trình ấy. Khi ấy, Hạng Trung đang trông coi Binh Bộ, sai thuộc hạ tra cứu. Lang Trung là Lưu Đại Hạ tới kho trước, giấu sạch tài liệu. Các nha lại không tìm được gì, kiến nghị ấy phải xếp xó.

Hạng Trung trách cứ nha lại:

Tài liệu ở trong kho, sao lại bị mất?

Lưu Công mỉm cười nói:

Trước kia, khi Trịnh Hòa đem quân xuống các nước Tây Dương, tốn phí gạo tiền mấy chục vạn, quân dân bị chết không đếm xiết. Dẫu tìm được của báu, vô ích cho đất nước. Đối với chuyện tồi tệ này, bậc Đại Thần hãy nên thống thiết can gián.

Nếu tài liệu cũ hãy còn, cũng nên hủy đi để trừ căn cội gây họa ấy, há còn truy hỏi có hay không nữa chăng?

Ông Hạng tạ tội, bảo:

Ta suy nghĩ nông cạn, chẳng nghĩ đến lẽ này. Một lời này của ông, âm đức động Trời. Địa vị này sẽ thuộc về ông vậy. Về sau, quả nhiên là như thế.

Đường Thái Tông từng chỉ một cái cây, nói:

Cây này rất đẹp. Vũ Văn Sĩ Cập bèn hùa theo, ca ngợi chẳng ngớt.

Vua nghiêm mặt bảo:

Ngụy Trưng khuyên ta tránh xa kẻ nịnh nọt. Ta chẳng biết đứa nịnh thần là ai, nay mới biết là ngươi. Sĩ Cập khấu đầu, thẹn thùng, tạ lỗi.

Đời Hậu Đường, Quách Sùng Thao đón ý của Đường Trang Tông, khuyên Vua lập Lưu Hậu, cứ ngỡ là được lòng bà ta. Về sau, kẻ sàm báng khiến cho Nhà Vua giết chết Sùng Thao chính là Lưu Hậu.

Ôi! Đón ý khuyên Vua nên lập hậu, cứ ngỡ là sẽ củng cố địa vị, đâm ra mắc phải thảm họa, siểm nịnh lại có ích gì?

Chánh văn:

Thọ ân bất cảm, niệm oán bất hưu.

Chánh văn:

Chịu ân người khác mà chẳng cảm kích, luôn ôm lòng oán hận chẳng dứt. Đối với ân huệ cho một bữa cơm, Cổ Nhân ắt báo đáp. Nếu không có sức báo đáp, tâm ắt luôn ngầm cảm kích. Luôn nghĩ tưởng tới, chẳng thể quên lãng.

Trí Độ Luận có chép:

Chịu ân mà chẳng cảm kích, tệ hơn Súc Sanh. Nói hay lắm thay. Có những ân to lớn, một là Trời đất, hai là Cha Mẹ, ba là Quốc Vương, bốn là Sư Trưởng, nhưng có kẻ mơ màng suốt cả đời, chẳng báo đáp bốn ân, chỉ chăm chút mong báo đáp những ân huệ riêng tư, nhỏ nhặt. Đấy là bỏ cội theo nhánh, chẳng phải là người báo ân vậy. Đời Đường, Sử Vô Úy kết bạn với Trương Tùng Chân.

Vô Úy nhà nghèo, Tùng Chân thường châu cấp cơm áo, giúp tiền cho Vô Úy buôn bán. Mấy năm sau, Vô Úy giàu có, Tùng Chân bị hỏa hoạn, gia sản mất sạch. Tùng Chân Đến chỗ Vô Úy, Vô Úy lại phụ bạc tình nghĩa khi trước. Tùng Chân chỉ đành đối trước Trời cao nức nở mà thôi.

Bỗng mây đen kéo đến dầy đặc, sét đánh trúng Vô Úy, hắn biến thành trâu, có chữ son viết trên bụng rằng:

Sử Vô Úy phụ lòng, trong vòng mười ngày sẽ chết.

Tục ngữ có câu:

Súc Sanh biết báo ân, như ngựa thòng dây cương, như chó lăn cỏ, như rắn nhả ngọc, như chim sẻ ngậm vòng.

Loài vật còn như thế, sao con người lại bội nghịch ân đức, riêng mình chẳng sợ biến thành trâu ư?

Đời Tống, Trương Bật chẳng màng danh lợi, hiếu học, tinh thông Kinh Dịch, giúp Lý Đại Lượng thoát nạn. Đến khi Đại Lượng sang cả, gặp Trương Bật trên đường, ôm Trương Bật khóc òa, muốn tặng hết gia tài cho. Trương Bật cự tuyệt chẳng nhận.

Đại Lượng tâu với Vua:

Thần được phụng sự bệ hạ là do sức của Trương Bật. Xin hãy giao sạch quan tước của thần cho ông ta. Vua bèn phong cho Trương Bật làm Lang Trung, giữ chức Đô Đốc Đại Châu. Trương Bật chẳng nghĩ mình có ân đức, Đại Lượng khăng khăng báo ân, cả hai đằng đều được vinh hiển.

Đối với mối oan cừu của Vua, cha, mối hận cốt nhục, bậc Quân Tử dùng đường lối chánh trực để báo oán. Còn như những mối thù riêng, nỗi oán nhỏ, có thể thuận theo lý để giải trừ, có thể xét theo tình cảm mà dung thứ, thì oán cừu sẽ liền tiêu tan.

Nếu cứ nghĩ mãi không ngơi, ắt sẽ oan oan tương báo, há có lúc nào xong?

Đời Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, đã kết oán rất nhiều. Về sau, ông ta bị biếm trích tới Châu Nhai vùng Đông Bắc đảo Hải Nam, thấy trên vách một ngôi Chùa treo mười mấy cái hồ lô.

Hỏi dò vị Sư, Sư bảo:

Đó là tro cốt của những người đã làm mất lòng gã Thái Úy tức Lý Đức Dụ đang nắm quyền, đều bị hắn ta biếm trích tới xứ này, chết ở nơi đây. Lão Tăng thương xót, hỏa thiêu, thu thập hài cốt, chờ con cháu đến lấy. Đức Dụ nghe nói, sợ hãi bỏ đi, đau lòng mà chết.

Đời Minh, Kim Thành làm Chủ Sự của bộ Hình. Lúc chưa gặp thời, từng bị Ma Trương vây hãm làm nhục. Về sau, Trương phạm tội, bị giải về kinh, trông thấy Kim Thành đằng xa, bèn mỗi bước chín lạy. Kim Thành cười đón, cứu tội cho. Ma Trương yết kiến, Kim Thành giữ lễ như lệ thường. Ma Trương cảm kích khóc òa, gả con gái cho con trai của Kim Thành.

Vu Thiết Tiều từng nói:

Kẻ khác dùng thế lực chèn ép ta, ta dùng sự độ lượng bao dung họ, ắt quét sạch tầng tầng mây dầy, dập tắt lửa báo thù hừng hực. Vì thế, bậc Quân Tử chẳng nghĩ đến điều ác cũ.

Chánh văn:

 Khinh miệt thiên dân, nhiễu loạn quốc chánh.

Chánh văn:

Khinh miệt dân chúng, nhiễu loạn nền chánh trị trong nước. Mạng lệnh của Thượng Đế lấy lòng dân làm chủ. Phàm những người dân đen đều là con đỏ của Thượng Đế. Vì thế gọi là Thiên dân, dân của Trời.

Trời yêu dân tột bậc. Lập ra Vua, lập ra Tể Tướng, lập ra các quan chức, không gì chẳng vì dân chúng. Sanh ra bậc hào kiệt, sanh ra Thánh Hiền, thành Tiên, thành Phật, thành Thần Minh, cũng không gì chẳng vì dân vậy.

Xếp đặt ngũ hành, tăng trưởng muôn vật, đặt định núi, sông, ấn định kiếp vận, mở mang thời thế bình trị hay loạn lạc, xét đoán báo ứng, cũng không gì chẳng vì dân vậy! Do đó, sách Châu Lễ chép:

Hễ có người dâng lên Vua bản ghi chép về số lượng dân chúng, Vua ắt lạy rồi tiếp nhận. Trọng Ni Khổng Tử đang ngồi trên xe bèn khom mình phủ phục xuống tấm ván chắn ngang trước xe để tỏ lòng kính trọng người cầm bản đồ lãnh thổ.

Như vậy thì há có nên khinh miệt dân chúng hay chăng?

Vua Nghiêu nói:

Ta quan tâm thiên hạ, dốc lòng lo nghĩ cho dân nghèo, đau xót vì nỗi hiểm nguy của muôn họ, lo lắng vì những điều bất thuận lợi của mọi người, thi hành điều nhân mà đạo nghĩa được thành lập, truyền rộng đạo đức, cảm hóa dân chúng rộng rãi. Vì thế, chẳng tưởng thưởng mà dân siêng năng vâng giữ đạo nghĩa, đức hạnh. Chẳng trừng phạt mà dân yên ổn.

Đường Thái Tông nói:

Dân là cội gốc của đất nước. Đức là cội rễ của thân. Đức dầy thì mọi người sẽ mến mộ. Dân yên, ắt nước vững. Vì thế, kẻ đứng đầu nhân dân mà có Đạo Đức nhân hậu, dân sẽ nương về như Cha Mẹ, lẽ tự nhiên là sẽ có lãnh thổ, có tài sản vậy.

Xét từ những lời này, ta thấy các Bậc Thánh vương xưa nay còn chẳng nỡ lòng khinh miệt dân chúng như thế ấy, huống hồ những kẻ thay Vua cai trị dân mà chẳng thấu hiểu ý này ư?

Đời Tống, Trịnh Thanh Thần tánh hà khắc, làm huyện lệnh ở Hòe Lý, ngược đãi dân chúng. Đến khi hắn rời nhiệm sở, dân chúng chặn đường thóa mạ. Thanh Thần dâng sớ về triều, hạch tội dân chúng thuộc vùng hắn cai quản đã dám khinh lờn, nhục mạ trưởng quan.

Tống Chân Tông nói:

Cai trị cốt yếu là được lòng người. Lòng dân đã như thế, có thể biết ngươi cai trị theo kiểu nào rồi.

Ngươi còn dám oán hận dân chúng, để rồi dám ôm lòng khinh nhờn Triều Đình mà tấu trình ư?

Hắn bèn bị hạch tội, bị biếm trích.

Đời Minh, ông Đào Đại Lâm nói:

Bọn ta đã được dự vào hàng quan lại, dẫu niệm nào cũng luôn nghĩ giúp người, lợi vật, nhưng đối với tội nghiệp trong cả một đời, vẫn chẳng thể chuộc một phần vạn được.

Ta trước kia được Vua sai phái đi công cán, bèn rời Kinh Thành, từ kinh thành đến đất Nghi, đất Việt, rồi từ đất Việt trở về Kinh Đô.

Phàm mấy ngàn dặm, đường thủy, đường bộ, ngồi thuyền, ngồi xe, sử dụng phu phen khiêng vác, chuyên chở, lôi, dắt ngựa, lừa, chẳng biết là bao nhiêu người. Nghĩ tới dân chúng xanh xao, bụng rỗng, quần áo tả tơi, toàn là con cái của người ta. Đang trong lúc nóng hừng hực, mồ hôi tuôn đầm đìa như mưa, thở hồng hộc như sấm động.

Gặp cơn rét buốt, họ bươn bả trên đường băng, xông pha mưa tuyết. Do vậy, trượt ngã, mất mạng trên đường, chẳng thể kể xiết. Những tội lỗi ấy đều do ta tạo.

Nếu cái thuyết báo ứng chẳng phải là bịa đặt, há chẳng đáng kinh sợ ư?

Năm Đại Lịch thứ hai 767 đời Đường, mùa Thu bị mưa dầm, mùa màng tổn hoại. Huyện lệnh Vị Nam là Lưu Tảo trình báo thóc lúa trong huyện chẳng bị hư hao. Quan trên nghi ngờ, sai người đến xem, phát hiện hơn ba ngàn khoảnh ruộng bị hư hoại.

Quan trên than:

Huyện lệnh là quan cai quản dân chúng, dẫu không bị tổn thất, vẫn nên nói là bị tổn thất. Thế mà hắn bất nhân như thế đó, bèn phạt hắn tội lưu đày.

Đời Tùy, vào thời đầu niên hiệu Nghĩa Ninh, vùng Du Lâm bị đói to. Quận Thừa là Vương Tài chẳng lo cứu đói. Quách Tử Hòa hiệu triệu dân đói, bắt Vương Tài, hạch mấy tội, chém chết Vương Tài rồi khởi loạn.

Tuy đấy là hành vi của lũ đạo tặc, rốt cuộc chúng cũng bị Triều Đình giết chết, nhưng chuyện này cũng đủ để răn dè những kẻ chẳng dốc sức cứu tế dân chúng vậy.

Nước nhà cần phải bồi dưỡng phước khí hòa bình, chớ nên mặc sức biến cải chánh sách. Nếu có những đề nghị cải cách, phải mười phần suy xét tường tận, thận trọng. Nếu chỉ vì ý kiến riêng tư của một kẻ mà thay đổi, cứ bộp chộp, bàn bạc qua quít rồi thi hành một phen, ắt dân chúng sẽ có một phen bị nhiễu hại.

Huống hồ các pháp tắc là do Tổ Tông đã định, những người có chức trách phụng hành đã lâu, dân cũng quen lệ tuân hành, cớ gì bày vẽ sửa đổi, gây nên nhiễu loạn vậy thay?

Đời Tống, Lý Hàng làm Tể Tướng.

Mã Lượng nói:

Người ta nghĩ ông là cái hồ lô không có miệng.

Lý Hàng đáp:

Ta đối với việc cai trị chẳng có tài cán sở trường gì, nhưng trong ngoài hễ có ai trình bày điều lợi, lẽ hại, phàm là những kiến nghị thay đổi xuất phát từ tình tự xung động nhất thời, hết thảy đều bác bỏ, ngõ hầu có lợi cho nước nhà.

Nay những pháp chế của Quốc Gia đã hết sức chi ly, nếu cứ nghe theo những kiến nghị ấy, thực hành từng điều một, ắt sẽ gây tổn hại rất nhiều cho đất nước và nhân dân.

Những gã gian ngụy may mắn được bổ dụng, có chịu suy nghĩ:

Do họ đề xướng những trò canh tân, cải cách ấy mà dân chúng bị nhiễu loạn hay chăng?

Lý Lâm Phủ ra sức đề xướng cách sử dụng quân Khoắc Kỵ. Triều Đình bàn luận rất nhiều phen, Lâm Phủ vẫn dốc sức duy trì, cho nên quân đội đời Đường rời rã, chán nản.

Vương An Thạch sáng chế, thực hiện tân pháp, phiền nhiễu dân chúng, nguyên khí của nhà Tống từ đấy bị suy vi. Những trường hợp ấy đều là do những Sáng kiến nhiễu loạn mà gây nên tai hại vậy.

***